Sách
Những gì Đức Phật giảng dạy cho mọi người thoát khổ, đã được Ngài thể hiện rõ nét trong cuộc sống của chính Ngài. Thật vậy, Đức Phật đã từ bỏ cuộc sống đế vương tiêu biểu cho nếp sống giàu sang nhất về vật chất mà Ngài vẫn có được cuộc sống tự tại, an lạc, giải thoát, nhằm nói với mọi người rằng chúng sinh khổ không phải vì thiếu thốn vật chất. Trong thiên nhiên không thiếu của cải nuôi sống con người, nhưng vì tham vọng, vì lòng tham không đáy, những cá nhân, những phe nhóm muốn tranh giành, chiếm đoạt của cải cho riêng họ, mà sẵn sàng tàn sát nhau, khiến cho máu và nước mắt của những người dân vô tội vẫn còn tuôn chảy vì những cuộc chiến tranh truyền kiếp như vậy, rõ ràng suốt đời con người làm tôi mọi cho vật chất, gây thù chuốc oán với mọi người, mọi loài, gánh chịu hết nỗi khổ này đến niềm đau khác. Và trong thời hiện đại, cũng phát xuất từ tham vọng và vô minh mà con người đã khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, gây ra sự ô nhiễm cho môi trường sống, tác hại đến sức khỏe và tuổi thọ của con người, của hành tinh này.
Trên bước đường giáo hóa độ sinh, bằng tuệ giác và bằng cuộc sống phạm hạnh, Đức Phật đã soi rọi lòng người, cảm hóa được mọi người, khiến người người phát tâm theo Phật, kính trọng thương quý Ngài. Đó chính là hiệu quả thuyết pháp bằng thân giáo và ý giáo của Đức Phật xuất phát từ trí tuệ và tình thương bao la của Ngài đối với chúng sinh. Từ nền tảng tuệ giác và tâm đại từ bi, Ngài mới diễn tả thành lời nói trong việc giáo hóa độ sinh, gọi là khẩu giáo, để mọi người có thể hiểu được và thực tập theo lời Ngài chỉ dạy.
Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, mặc dù chúng ta chưa có được tuệ giác và tình thương chân thật như Đức Phật, cho nên thành quả của sự truyền bá giáo pháp của chúng ta còn hữu hạn. Tuy nhiên, hành đạo trong thời đại văn minh cao độ hiện nay, phải nói chúng ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi để hoằng truyền Phật pháp. Thật vậy, với vô số phương tiện thông tin hiện đại và phổ cập, chúng ta dễ dàng phổ biến đến quần chúng ở khắp mọi nơi, các sinh hoạt của Phật giáo hoặc các bài giảng dạy Phật pháp qua báo chí, sách vở, băng đĩa. Và phương cách hoằng pháp nhanh chóng nhất là sự truyền thông qua mạng Internet, chỉ trong chớp mắt, những bài giảng pháp của các danh Tăng trên thế giới có thể chuyển tải đến mọi người bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Vì chưa đắc đạo, chúng ta không thể truyền bá pháp Phật bằng tâm được; nhưng có thể sử dụng nhiều hình thức truyền thông hiện đại làm cầu nối gắn kết Phật pháp cho mọi người hiểu biết và thực hành giáo pháp không mấy khó khăn.
Trong Đại lễ Vesak năm nay, trong các chủ đề thảo luận có hai chủ đề nổi bật là Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số và Phật giáo với sự chăm sóc môi trường. Những đề tài này đã gióng lên tiếng chuông thúc giục giới Phật giáo rằng muốn hoằng pháp theo kịp nhịp sống của thời đại, chúng ta cần phải tận dụng được những phương tiện hiện đại; vì đó chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc truyền bá chánh pháp nhanh chóng đến mọi ngõ ngách trên trái đất này, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người trên khắp thế giới tiếp nhận được lời Phật dạy để ứng dụng trong cuộc sống một cách tốt đẹp.
Thiết nghĩ với sự truyền bá tư tưởng của Đức Phật theo những phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể mở rộng tầm hiểu biết về lời Phật dạy ở những lãnh vực khác nhau cho nhiều người, nhiều cộng đồng xã hội cùng thể nghiệm trong cuộc sống, góp phần cảm thông, chia sẻ để xây dựng môi trường sống tốt đẹp, để tạo dựng cuộc sống an lạc, hòa bình, hòa hợp cho cộng đồng nhân loại ở thế kỷ 21.