Sách
Hôm nay đến thăm trường hạ Vĩnh Đức là nơi đa số chư Tăng xuất thân từ miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi. Điều này gợi cho tôi nhớ đến các vị Tổ đức đã từ miền Trung vào Nam truyền đạo được dân chúng miền Nam rất kính trọng vì có tài học rộng, nghe nhiều.
Trong số các bậc cao đức ấy, gần đây nhứt có Tổ Phi Lai hay Ngài Chí Thiền từ Quảng Nam vào hoằng hóa. Ngài ít nói và luôn có nụ cười dễ thương. Đặc điểm của Ngài khiến cho nhiều người quý kính vì không tranh cãi, muốn nói gì, Ngài thường dẫn tích là Phật hay Bồ tát nói. Mặc dù học rất giỏi, Ngài cũng dấu luôn sở học của mình, điều gì Ngài biết thì nói rằng đó là nhờ có Hộ pháp mách bảo trong giấc mơ.
Điểm dễ thương khác nữa là Ngài làm đạo không biết mệt mỏi, ba việc : ăn mặc ở thì Ngài nhường cho chúng Tăng, còn kham khổ thì Ngài gánh vác, nhường miếng ngon cho người với lý do là không ăn được, không dám nói "nhường” vì sợ họ tự ái, không ăn.
Nương theo gương sáng của các bậc cao đức, chúng Tăng cần phấn đấu cho tiêu nghiệp và hiển lộ đức tánh của người tu, thề không làm thây ma trong Phật pháp, không làm người vô dụng trong Tăng đoàn.
Vị Tổ đức thứ hai là Ngài Khánh Anh, cũng từ Quảng Ngãi vào Nam hoằng hóa. Tôi được phước duyên làm thị giả hầu Ngài, lúc ấy Ngài là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, từ Trà Ôn lên ở chùa Ấn Quang.
Tổ Khánh Anh sống rất giản dị, không hề quan tâm đến việc ăn, mặc, ở. Thậm chí về chùa ở Trà Ôn, Ngài mặc quần ngắn tưới cây, thầy trò sống gần gũi không có gì cách biệt. Đó là hình ảnh thân thương của Tổ Khánh Anh mà tôi khó quên.
Từ vị trí một vị cao Tăng làm Tổ, nhưng đối với chú tiểu mới xuất gia, Ngài cũng cư xử bình đẳng, mang sở đắc truyền đạt cho đàn hậu học một cách vô tư. Đó cũng là nét cao thượng trong cách sống của một vị Tổ mà chúng ta nên học theo.
Vị Tổ đức thứ ba mà tôi khâm phục là Ngài Huệ Đăng hay Tổ Thiên Thai từ Bình Định vào Nam hành đạo. Đặc tánh của Tổ là quyết tâm tu hành cao độ và Ngài tu khổ hạnh ít ai bằng. Ngài tu trên núi, có sức chịu đựng tuyệt vời, ăn toàn măng rừng mà vẫn khỏe mạnh.
Theo lời các vị cao Tăng kể lại Tổ Thiên Thai vào hang hổ tu, tâm từ bi của Ngài tác động đến mức hổ phải nhường hang cho Ngài ở. Và Ngài tu khổ hạnh đến mức độ cao, ngộ đạo thể hiện qua hai câu đối Ngài đề trước động hang :
Tá thạch vi tường, thục thức lão Tăng cùng đáo để
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.
Nghĩa là mượn đá làm tường, lấy gió làm quạt, đời sống vật chất như vậy là nghèo hết mức (cùng đáo để). Tuy nhiên, thế giới vật chất hẩm hiu nào có nghĩa lý, vì Ngài còn có cuộc sống tâm linh quan trọng hơn, mang lại cho Ngài nguồn vui vô cùng tận, nào ai biết được ( đại đạo lạc vô cương). Đó là thế giới nhất nguyên của người đắc đạo, hài hòa với thiên nhiên, hang động, đá núi, cỏ cây với Ngài là một, vượt hẵn cái nhỏ nhen tầm thường của ngã và ngã sở.
Thật vậy, tu trong hang đá, cắt đứt tất cả trần duyên, không còn sống với phân cực tương đối giữa thiện ác, phải trái, tốt xấu, giỏi dở, nghèo giàu, mới trở về với thế giới bản thể thanh tịnh. Còn sống với thế giới nhị nguyên, thì còn kẹt hình thức nên nó cũng gây cho ta không ít phiền toái, vì ta không tranh chấp với người, thì người cũng tranh với ta. Vì vậy, khi chúng ta còn tu trong vòng tương đối, cũng tốt, nhưng phải biết khắc phục phiền não, nếu không nó tăng trưởng rất nhanh.
Trên bước đường tu, chúng ta nương pháp hữu lậu hay những nguyên tắc để suy nghiệm sâu xa hơn về pháp vô lậu nhằm trưởng dưỡng đạo tâm, tiến tu giải thoát trong 3 tháng an cư.
Theo tôi đến mùa an cư, chư Tăng có nhiều suy nghĩ khác nhau, dẫn đến thành quả khác nhau trong cuộc đời tu. Có người thì lo âu vì nghĩ 3 tháng sống cô quạnh, buồn tẻ, không được giải trí bên ngoài. Đó là nghiệp chướng Tăng bị giới luật ràng buộc, không được đi đã thấy khổ, huống chi còn biết bao nghiệp chướng trần lao khác nữa.
Có người sắp an cư thì chuẩn bị bằng cách bảo Phật tử sắm sửa tứ sự và dặn họ thường xuyên đến thăm viếng cúng dường. Tuy không đi ra ngoài, nhưng tâm đã liên hệ quá nhiều với người đời. Phần lớn họ chỉ chuẩn bị vật chất và xây dựng tinh thần phiền não. Tu như vậy, sớm muộn cũng hoàn tục hay còn trong đạo thì cũng nửa tăng, nửa tục.
Hạng người thứ ba, đến mùa an cư, không quan tâm đến tứ sự, nhưng chuẩn bị tinh thần để tiến tu trong 3 tháng, nên mỗi mùa hạ họ đều thăng tiến trên đường đạo và siêng tu ba nghiệp cho thuần tịnh. Có thể chuẩn bị bằng cách tham vấn những bậc tôn túc để học hỏi kinh nghiệm tu hành của các Ngài, ngõ hầu lấy đó làm hạt nhân cho mình tiến tu.
Riêng tôi, thường chuẩn bị kinh điển, những sách nói về công hạnh của chư Tổ hay Bồ tát để trong 3 tháng đọc tụng, vì đó là thời gian mà ta không bị thế tục quấy rầy, thân tâm được thanh tịnh tạo điều kiện tốt cho việc tiếp cận Phật pháp. Chuẩn bị như vậy, tôi không bị hụt hẫng cuộc sống tâm linh.
Hoặc chuẩn bị mùa tu này, ta chuyên tu học pháp nào, thân cận bậc tôn đức nào để học được hạnh gì. Có như vậy, chúng ta mới vào cửa đạo được.
Nói chung, trong mùa an cư, chúng ta chuẩn bị những gì cần thiết để mở cánh cửa tâm linh, đi vào tam vô lậu học : giới, định, huệ.
Huệ học là điều tôi tâm đắc nhất, vì theo Ngài Thiên Thai, không có huệ thì không có thiền và không có thiền thì không có giới.
Tu theo hữu lậu pháp, đi từ ngoài vào, tức tu giới sanh định, có định phát huệ. Nhưng theo vô lậu học, từ huệ mới tạo được chánh định và có giới thể thanh tịnh.
Đối với tôi, chúng ta suy nghĩ giới bản, xem giới nào thích hợp, chúng ta áp dụng. Giới nào không tác dụng, ta không bận tâm, nghĩa là tu giới có trí tuệ chỉ đạo, không phải tu giới một cách chung chung. Thí dụ, sống trong trường hạ, 4 giới căn bản : sát, đạo, dâm, vọng không có điều kiện để phát sinh, ta không quan tâm đến. Nhưng khi ra ngoài, có điều kiện sát hại, chúng ta phải cân nhắc, đừng để phạm.
Phật chế giới nhằm ngăn ngừa tội lỗi, nhưng tội lỗi không có môi trường phát sinh thì chúng ta dụng công nghiền ngẫm làm gì. Theo tôi, những gì không cần thiết, tôi không suy nghĩ đến và tất nhiên hành động cũng không vi phạm. Nhưng nếu chấp giới điều, tuy hành động không phạm, mà tâm cứ nghĩ đến nó, làm sao định được.
Có người hiểu lầm tu Đại thừa không giữ giới, nhưng thực không giữ với điều kiện không phạm, ý nghĩ phạm cũng không có. Chính vì vậy 12 năm đầu, đối với thanh tịnh Tăng, Phật không chế giới, nhưng chính yếu là truyền đăng, tiếp tâm.
Đối với các vị Tỳ kheo nhẹ nghiệp, trí tuệ có sẵn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Kiều Trần Như, v.v…, Phật chỉ truyền pháp vô lậu, nghĩa là vô lậu tâm, vô lậu huệ của Phật tác động thẳng vô tâm thanh tịnh và trí tuệ của các Ngài, giúp các Ngài quan sát chân lý, nên đắc quả La hán dễ dàng, trong chớp mắt.
Còn Tỳ kheo chưa thanh tịnh, Phật phải đưa ra một số giới điều nhằm ngăn bớt ngoại duyên tác động họ không thanh tịnh.
Mới tu cố gắng giữ giới, nên ngôn ngữ, hành động và tâm ta luôn phát sinh những cái trái ngược với giới điều ngăn cấm. Tôi quan sát thấy những mùa hạ đầu, nhiều Tăng Ni bịnh liên miên. Trước khi vô hạ, thì ăn, ngủ, đi lại tự do, nhưng nay sống theo khuôn khổ trường hạ, bị giới cột lại mất thăng bằng cơ thể nên bịnh.
Tôi nhắc nhở Tăng Ni phải khắc phục điều này. Để đừng bịnh phải giữ cơ thể cho thăng bằng. Các Tỳ kheo 3, 4 hạ trở đi vào hạ không bịnh vì cơ thể đã quen với giới luật của trường hạ.
Vì vậy, ra ngoài hạ, chúng ta đừng buông lung, thì vào hạ sẽ cảm thấy tự do, giới thể dễ thanh tịnh. Trong 3 tháng an cư, chúng ta tu khắc khổ được rồi, thì ra hạ nên tiếp tục duy trì nề nếp tu hành này, đừng để mất hết. Chẳng lẽ ra hạ, chúng ta lại sống buông lung, rồi hạ sang năm lại tiếp tục khổ như cũ hay sao ?
Trên lộ trình tu học, những kinh nghiệm ta có được trong hạ trước giúp cho ta dễ dàng tiến tu hơn trong hạ kế tiếp. Những gì học và tu sở đắc được trong hạ, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống khi ra hạ. Và các công đức thành tựu được trên bước đường hành đạo sau khi mãn hạ, chúng ta dùng đó để chuẩn bị cho việc tu hành trong mùa hạ tới.
Tu đúng pháp như vậy, vào hạ chắc chắn chúng ta thấy khỏe mạnh, an vui, thanh tịnh, tức đã có thúc liễm thân tâm trong nếp sống của người tu. Không phải chỉ tu trong hạ, ra hạ buông lung, thì tội càng phát sanh nhiều hơn, mà người đời thường gọi là thầy tu phá giới, vì kiềm chế lâu ngày, đến mức không kiềm nổi thì tội bung ra mãnh liệt.
Theo tôi, chúng ta tu giải thoát, không nên ức chế, nhưng phải hóa giải. Trong mùa an cư, cần lấy Phật pháp rửa tâm. Kinh nghiệm tu của tôi, siêng năng lạy sám hối càng nhiều càng tốt. Thuở còn trẻ, chưa lãnh trách nhiệm của Giáo hội, tôi thường lạy vạn Phật hay tam thiên Phật để tạo mối quan hệ giữa tôi và Phật.
Thiết nghĩ lạy Phật, nghĩ tưởng đến công hạnh của Phật, Bồ tát, Thánh hiền là trưởng dưỡng đạo tâm của người tu. Nghĩ đến những thánh thiện này nhiều, tâm chúng ta lần sẽ thuần tịnh theo. Không nghĩ đến chúng sanh, phải trái hơn thua, cơm áo, chỉ nghĩ Phật pháp, chắc chắn tâm ta được thanh tịnh, từ đó vô lậu huệ sẽ phát sanh. Nói cách khác, công hạnh của chư Phật, Thánh hiền truyền qua cho chúng ta, nên ta biết được những điều người thường không biết. Từ đây, dẫn đến con đường đắc đạo không xa.
Tôi cầu mong các Tăng Ni gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong mùa an cư PL 2543 để làm hành trang trên bước đường tiến tu giải thoát.