Sách
Tăng Ni y cứ lời Phật dạy mỗi năm cấm túc An cư, ban Đại diện Phật giáo quận 6 đã tổ chức được hai điểm An cư cho Tăng Ni quận nhà. Điều này thật đáng khích lệ và đáng biểu dương. Về việc An cư, ngoài hình thức, còn có phần nội dung quan trọng hơn, đó là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Thúc liễm thân tâm và trau dồi giới đức nghĩa là chúng ta hạn chế sinh hoạt với người và cảnh bên ngoài để Phật tri kiến của chúng ta có điều kiện phát triển. Thật vậy, chúng ta cũng là một hữu tình trong các hữu tình chúng sanh, nên khi quan hệ với người, với xã hội bên ngoài nhiều, đương nhiên chúng ta cũng bị chi phối và chịu ảnh hưởng của xã hội, của tự nhiên, trong đó có những suy tư, tình cảm, tư tưởng của người, v.v…, gọi chung là tri kiến của chúng sanh, nó sẽ tác động vào chúng ta. Tri kiến chúng sanh thì phức tạp, sai lầm do nghiệp và phiền não chỉ đạo, nên luôn dẫn đến khổ đau. Chịu ảnh hưởng tri kiến chúng sanh, tất yếu chúng ta phải khổ.
Cuộc sống thực tế cho thấy dù thành phần nào trong xã hội, từ người giàu sang, địa vị quyền thế cho đến người nghèo cùng, không ai mà không khổ. Nhưng mọi cái khổ của con người đều bắt nguồn từ tham sân si và đặc biệt là lòng tham không đáy đã làm cho con người khổ đau cùng cực. Người ta không bao giờ thỏa mãn được lòng tham, kể cả vua chúa đứng đầu thiên hạ cũng không bằng lòng với cái nhất của họ. Minh quân còn khổ, huống chi là bá vương dùng uy quyền khống chế người càng khó kiếm được phút giây yên tâm, thanh thản cho chính họ. Một trong những ông vua được sử sách ghi chép là minh quân như Nhân Tông hoàng đế đời Tống của Trung Hoa. Ông được nhiều người kính trọng nhất, hiền lành nhất, nhưng vẫn không cảm nhận được sự an lành trong nếp sống đế vương. Qua bài phú do ông sáng tác, ca ngợi rằng người đáng quý nhất trên đời mà mọi người thường nghĩ là vua, thì đối với ông, cũng không bằng làm nhà Sư tu hành và mong ước phải chi ông được làm Sư thì thực là "thiên phúc, vạn phúc” cho ông.
Đó là suy nghĩ, nhận xét của vua Nhân Tông đối với giới tu sĩ. Còn về phần chúng ta cũng có thể khẳng định rằng vị trí của người tu đúng nghĩa quả thực là vô cùng, người tu là người an lành nhất, hạnh phúc nhất. Nói thì như vậy, nhưng trong thực tế cuộc sống tu hành, mỗi người trong chúng ta có thực sự tìm được "hạnh phúc nhất” trên đời hay không. Chắc chắn tìm và sống được với hỷ lạc của người tu mới thực sự là trưởng tử của Như Lai. Ngoài ra, vua Khang Hy đời Thanh cũng nổi tiếng là người hiền đức. Ông có công thống nhất đất nước Trung Hoa và đứng đầu thiên hạ, đất nước hoàn toàn thái bình, không còn phải lo đối phó với nạn chống đối. Ông làm vua lâu nhất, hơn sáu mươi năm, được dân chúng quý mến, vậy mà còn than rằng xét lại suốt cuộc đời mình không thấy hạnh phúc bằng làm nhà Sư nửa ngày. Một ông vua nữa cũng có tâm trạng giống như vậy, đó là vua Thuận Trị đời Thanh. Ông làm một bài thơ thật dài nói về cái khổ của vua, mang tiếng đứng đầu thiên hạ, làm chủ bốn biển, sơn hà đại địa, quần thần dân chúng cũng của vua; nhưng tất cả những thứ này làm ông khổ vô cùng: "Trẩm vi đại địa sơn hà chủ. Ưu quốc ưu dân sự chuyển phiền”. Làm vua trăm năm, ba vạn sáu ngàn ngày không bằng nửa ngày sống an nhàn như vị Tăng: "Bá niên tam vạn lục thiên nhựt. Bất cập Tăng gia bán nhựt nhàn”.
Những người thành công trên cuộc đời này đã ca ngợi nếp sống tu hành cao quý của người dấn thân theo Phật đạo như vậy. Chúng ta phải nhận chân và sống được với sự cao quý đó mới không uổng công tu hành. Theo tôi, Tam vô lậu học là cái vô cùng quý giá mà những ông vua vừa kể ham muốn nhưng không được. Chỉ có giới, định, huệ làm cho con người hạnh phúc thực sự, còn lại tất cả những thứ khác chỉ là hạnh phúc giả tạm; vì sau cái vui là cái khổ nối tiếp và vật chất càng nhiều, tranh chấp càng lớn và dĩ nhiên khổ càng nhiều hơn. Có thể nói ai vướng mắc vào vật chất đều phải đi đến việc tranh chấp. Học hạnh của Phật, chúng ta tất yếu phải từ bỏ quyền lợi vật chất. Cuộc sống của Đức Phật là tấm gương điển hình thể hiện rõ nét tinh thần này, chúng ta hằng ghi nhớ lời dạy của Ngài rằng: "Chỉ có đời tranh chấp với ta, nhưng ta không tranh chấp với bất cứ ai”.
Để thực hiện lời di huấn của Phật, chúng ta sống theo phong cách "Tăng vô nhứt vật”, trên cuộc đời này không có cái gì là của ta thì không bao giờ phải tranh chấp với ai. Đó là điều quan trọng mà Tăng Ni cần suy nghĩ, muốn thành tựu giới đức thực sự tất yếu phải như vậy. Từ bỏ vật chất trước mới được một phần là người không tranh chấp về vật chất với Đức Phật nữa và sau Ngài tu đắc đạo, thành Phật, người giàu có cúng dường vườn rừng, tinh xá, Ngài cũng không ôm giữ những thứ này. Hàng thanh tịnh Tăng theo Phật tu hành không thiết nghĩ đến quyền lợi vật chất thế gian và cũng không sợ nguy hiểm. Họ theo Phật vào thành khất thực tiêu biểu cho mẫu người đức hạnh, nên người cúng dường hay xua đuổi cũng thế. Họ thản nhiên trước đàn voi say của vua A Xà Thế và chúng phải quỳ phục dưới chân họ. Còn Tăng không thanh tịnh thì hoảng sợ bỏ chạy khi thấy voi say. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ để tu là khi tâm chưa thanh tịnh, bao nhiêu khổ đau của trần gian thường bức bách chúng ta. Nếu không siêng năng tu hành dẹp trừ phiền não thì luôn bị nó bức ngặt, vì hoàn cảnh khó làm tâm chúng ta buồn phiền và tâm buồn phiền thì hoàn cảnh lại càng khó hơn. Riêng tôi, khi gặp nguy khó, thường tự kiểm xem mình có thanh tịnh hay không, có an tĩnh đối trước tất cả oan khiên, tranh chấp vô lý xảy đến với mình hay không. Tỳ kheo thanh tịnh thì voi say phải quỳ xuống trước họ hay có thể hiểu là oan gia không thể đến được. Đối với tôi, nếu xảy ra khó khăn mà ta lo buồn, đối phó là tự biết mình chưa thanh tịnh, quả báo sẽ đến với ta.
Có việc khó, tôi thường cố giữ mình theo Phật là đời tranh chấp với ta, nhưng ta không có tâm niệm đó và nỗ lực sám hối, đọc tụng kinh điển, lạy Phật để tạo mối quan hệ giữa ta và chư Phật, Bồ tát. Khi nhận được sự hộ niệm của các Ngài, lòng chúng ta liền yên tĩnh và xả định, những người đối kháng sẽ có thái độ khác. Thật vậy, Phật dạy và kinh nghiệm tôi cũng thấy rõ khi chúng ta không tranh chấp, sẵn sàng buông bỏ thì cuộc sống cũng theo đó thay đổi, người nhìn về ta và có thái độ với ta khác hẵn. Theo tôi, Thầy tu đạt được đệ nhất vô lậu học là giới vô lậu giống như con rùa thu rút đầu cổ tứ chi của nó lại, ẩn nấp trong cái mai dày để được an toàn. Thầy Tỳ kheo thu sáu căn cũng vậy, không tranh chấp, sẽ được an toàn; vì bước đầu tranh đấu là thua cuộc liền. Ta chịu đựng để khỏi tranh chấp, để còn thì giờ và sức lực tu học. Tranh chấp mãi với đời thì không cùng, không thể phát huy tài năng. Tuy nhiên, đó chỉ là sự an toàn tạm thời của bước thứ nhất, sau phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Nếu cứ rút đầu chịu đựng mãi, Phật pháp không thể nào tồn tại, nói chi đến phát triển.
Kinh nghiệm lịch sử Phật giáo Ấn Độ đã cho thấy rõ điều này. Phật giáo chỉ co cụm lại trong một tu viện dù có đến năm, mười ngàn tu sĩ, nhưng cũng bị Hồi giáo giết sạch. Quả thực là họ biết co cụm lại, nhưng không biết phát huy. Phật giáo Nhật Bản đã học được kinh nghiệm đau buồn này. Co cụm là đúng, nhưng phải phát huy định và huệ là điều quan trọng hơn, vì co cụm đến ngày nào đó người ta không còn biết đến Phật giáo nữa, đương nhiên chúng ta chết. Cái hại của mặt tu hành tiêu cực là vậy. Tỳ kheo Ấn Độ xưa kia chấp pháp đến mức độ bị người cột chân bằng cọng cỏ mà vẫn ngồi yên, sợ đứt cọng cỏ, mang tội. Họ hiền như vậy cũng tốt, nhưng phần phát huy tích cực là định và huệ mới có khả năng giữ vững đạo pháp.
Đối với tôi, bước thứ hai quý Tăng Ni cố gắng tu định và huệ, tức phát huy hiểu biết của chúng ta và giữ được tâm bình ổn. Xử thế của đạo Phật đẹp nhất là định huệ. Để luyện tập Định, đối trước sự cám dỗ hay hoàn cảnh cay nghiệt như thế nào, nét mặt, cử chỉ, hành động và tấm lòng của chúng ta vẫn an nhiên, không thay đổi. Và nhờ Định lực hay sức tập trung cao độ, chúng ta mới có được cái nhìn sáng suốt, biết rõ việc và người, tùy theo đó cứu độ chúng sanh. Các Thiền sư Việt Nam đã thể hiện cao độ hiệu quả của sự tu chứng định huệ trong việc giúp vua cứu nước an dân, giữ vững bờ cõi.
Mùa An cư, chúng ta có cơ hội tốt để hạn chế sự chi phối của người và xã hội, giữ được tâm bình ổn và biết đúng mọi việc diễn biến xung quanh, tôn trọng và phát huy cái đúng của người, khắc phục, đừng để vướng mắc vào việc sai trái của người. Cầu nguyện chư Tăng Ni luôn giữ được tâm bình ổn, trí sáng suốt, làm lợi ích cho người, mới xứng đáng là Thích tử và đền đáp được ơn Tam Bảo.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Tuyền Lâm và Tây Thiên, quận. 6, TP. Hồ Chí Minh, ngày 25-7-2000)