Sách
Ngày nay, đi theo dấu chân Phật, chúng ta thường mong muốn thực hiện cho được công việc tiếp nối ngọn đèn chánh pháp mà Ngài đã từng thắp sáng cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục sự nghiệp độ sanh của Phật, nhưng chỉ chú trọng đến hình thức giống như Ngài thì e rằng không thể đạt kết quả lợi lạc. Thật vậy, Đức Phật Đản sanh ở Ấn Độ cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm. Rõ ràng về thời gian, Đức Phật hành đạo cách thời đại chúng ta quá xa và về không gian, những nơi Ngài đã vân du hóa độ cũng khác hẳn môi trường sống của chúng ta ngày nay. Vì vậy, sắp bước sang thế kỷ XXI mà chúng ta lại sống theo thời cổ đại và sinh hoạt theo phong tục Ấn Độ, chắc chắn không thể thích hợp. Ý thức sâu sắc tinh thần hài hòa để sinh tồn và phát triển, Phật giáo Đại thừa không đặt nặng vấn đề hình thức. Tùy theo văn hóa, phong tục của mỗi quốc gia mà màu áo đạo cũng như sinh hoạt lễ nghi, tu tập có sự thay đổi cho thích nghi, hòa nhập vào nếp sống cộng đồng của dân tộc bản địa. Từ đó hiện hữu Phật giáo Việt Nam hay Phật giáo Nhật Bản, Trung Hoa, v.v… sinh hoạt khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Mỗi nơi sinh hoạt Phật giáo đều toát lên nét đẹp đặc thù, cá biệt tiêu biểu cho dân tộc tính và hoàn cảnh sống qua từng thời đại khác nhau của từng nước khác nhau.
Tuy nhiên, trong sự sinh hoạt đa dạng của Phật giáo ở khắp năm châu, chúng ta vẫn thấy có một sự chung nhứt về nội dung, theo đó người tu ở thời Phật tại thế và ở thời đại chúng ta nhất định không khác nhau. Đó là sự thanh tịnh giải thoát trong đời sống tâm linh, sự thăng hoa trí tuệ và phẩm hạnh cao thượng, từ bi, vô ngã vị tha của hàng đệ tử Phật, dù ở đâu và bất cứ lúc nào.
Trên bước đường dẫn đến cứu cánh giác ngộ giải thoát, dưới kiến giải của Phật giáo Đại thừa, bên trong sanh thân của Đức Phật còn hàm chứa chất liệu quan trọng hơn. Đó là Báo thân Phật, tức kết tinh phước đức và trí tuệ của Ngài. Theo tinh thần Đại thừa, phước đức trí tuệ là yếu tố quyết định việc thành bại của chúng ta trên bước đường tu. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ thế nào là trí tuệ và phước đức để tiến tu đạo hạnh.
Đạo Phật dùng khẩu hiệu duy tuệ thị nghiệp, tức trí tuệ là điều cần thiết nhất mà người tu phải đạt cho được. Không gì quý báu hơn là sự hiểu biết. Hình thức tu thế nào cũng được, nhưng cốt yếu làm sao chúng ta có hiểu biết cao nhất. Từ hiểu biết thông thường đến trí tuệ siêu việt của Đức Phật là điều mà Phật giáo Đại thừa muốn vói tới. Nếu chỉ giống hình thức, nhưng không phát huy được hiểu biết theo Phật, kể như không giữ được sự nghiệp của Ngài.
Về mặt trí tuệ, trên bước đường tu, từng bước chúng ta thâm nhập tri kiến Phật. Đối với người xuất gia, trí tuệ vô lậu là chính; nhưng muốn đạt được trí tuệ vô lậu, chúng ta phải bắt đầu tu hữu lậu trí tuệ mà kinh thường gọi là văn, tư, tu. Văn huệ thuộc hữu lậu trí, vì ta dùng nhĩ căn nghe pháp thì pháp này thuộc pháp trần, chưa phải là chân lý. Tai nghe âm thanh thuộc thanh trần, là chúng ta vẫn kẹt trong nhĩ thức.
Bắt đầu học Phật, chúng ta vẫn ở trong hữu lậu pháp, nên tham sân si phiền não căn bản còn bộc phát. Điều này chúng ta thấy rõ trong thực tế cuộc sống, người học rộng biết nhiều ưa chấp pháp, nên thường dễ phát sanh phiền não hơn. Chưa học, chưa biết, ta không thể tranh cãi; nhưng học rồi, nghe người nói trái tai, ta bực bội. Kinh nghiệm tu của tôi, nghe người nói mà cảm thấy khó chịu là tự biết phải lo đoạn sạch phiền não trước, vì nhận ra cái biết này của ta thuộc hữu lậu huệ, càng biết càng phiền não, bị xếp vào hạng tăng thượng mạn, không thể dự vào dòng Thánh. Trên bước đường tu, tôi tự kiểm lại mình có học, có hiểu biết, nên thường tự ái và sanh ra tánh xem thường người. Tuy nhiên, nhờ trì tụng kinh điển, lời Phật dạy tự nhắc nhở tôi đức khiêm tốn, nên vội sửa mình, dần dần cũng được người thương mến. Từ khi xuất gia cho đến ngày nay, tôi luôn đặt mình vào Giáo hội, vào tập thể Tăng chúng, vào tín đồ. Khi được các Thầy cô thân thiện, tôi mừng vì được sống với chúng xuất gia, có Phật tử thân cận là biết mình đạt được một hạnh lành. Tôi nhớ cố Hòa thượng Trí Thủ lúc còn sanh tiền, ngài hỏi tôi có nghe Thầy Đồng Từ nói gì về ngài hay không mà sao về nước không đến thăm Hòa thượng. Nghĩa là trong cuộc đời tu, ngài luôn kiểm điểm xem có làm gì mất lòng đại chúng không. Tôi lấy gương của Hòa thượng mà tự nhắc nhở mình. Đánh mất một người bạn tốt, bớt một pháp lữ đồng hành, tôi coi là mất mát lớn.
Chúng ta mới được một chút hiểu biết Phật pháp, nhưng chưa chắc đúng, mà vô tình để phiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến phát sanh và chúng ta coi Thầy Tổ, bạn bè không ra chi, thì ai chấp nhận được ta, nên giỏi đến đâu cũng bị loại. Tu mà bị loại khỏi Phật pháp, khỏi Tăng đoàn là điều đáng sợ nhất. Có được Thầy hiền bạn tốt, tôi luôn tranh thủ những thiện tri thức này, không để mất.
Chúng ta mới có hiểu biết nhỏ nhoi, tưởng mình là Thánh, nhưng kiểm tra lại văn huệ ấy còn thuộc phiền não trí, chưa phải là Phật pháp. Và xa hơn nữa, khi tu tư huệ, tôi nhận ra hiểu biết Phật pháp của các học giả rất rộng, nhưng thực ra đó chỉ là thế gian trí, nên cuộc sống của họ chẳng có chút hương vị giải thoát giác ngộ nào của Phật pháp cả. Trong khi các vị chân tu thực học, thực chứng không nói hay, hiểu nhiều theo kiểu học giả, mà các ngài đã thể hiện tinh ba Phật dạy trong nếp sống hàng ngày, tiêu biểu đúng nghĩa một hành giả sở đắc tu huệ theo lộ trình Phật dạy.
Hữu lậu trí: Văn, tư, tu, hay là ngón tay chỉ mặt trăng để diễn đạt chân lý. Vì vậy, đối với người bắt đầu hành trì, việc tụng niệm, lễ bái, tham Thiền là điều quan trọng. Vì nhờ có học, suy nghĩ mới giúp chúng ta biết rõ pháp Phật để thực hành. Riêng tôi, siêng năng lạy Phật không mệt, lạy với tất cả tấm lòng cung kính trong niềm sung sướng. Tôi coi đó là pháp hành quan trọng thể hiện trọn vẹn sức sống của người tu đang hướng về chân thiện mỹ. Không phải lạy vì bị bắt buộc, lạy lấy lệ. Niềm hân hoan sống trong pháp hành ấy thường được diễn tả là người ăn thì tự no, uống thì tự biết được mùi vị như thế nào. Trước kia, chúng ta học giáo lý, nhưng không ứng dụng được lợi lạc trong cuộc sống, cũng giống như người phân tích thức ăn nào bổ, nhưng không ăn được, nên vẫn ốm đói. Trái lại, chúng ta lập hạnh tu, tâm nguyện và hành động của chúng ta gần Phật, thì càng hành trì, công đức càng tăng trưởng. Trong thực tế đời thường, chúng ta thấy những vị cao Tăng có thân hình gầy ốm, nhưng toát ra vẻ đẹp thanh thoát, đạo đức khiến người nhìn thấy phải kính trọng.
Như vậy, thực hành pháp là việc quan trọng. Tuy nhiên, muốn có kết quả cũng phải khởi tu từ việc học và tư duy; vì không học thì không thể hiểu đúng pháp và cũng không có gì trong đầu để tư duy, lấy gì để thực hành. Còn học mà không hành trì thì không thể có độ cảm với Phật, nên khó hiểu Phật. Lúc ấy, dùng hiểu biết bình thường của ta hiểu Phật, chắc chắn hoàn toàn sai. Trong kinh Pháp Hoa đã khẳng định chỉ có Phật hiểu Phật, còn hàng Bồ tát trở xuống, tùy trình độ tu chứng của mỗi người đến mức nào thì hiểu Phật đến đó. Riêng tôi, từ sơ phát tâm xuất gia cho đến ngày nay, sự hiểu biết về Phật pháp của tôi thay đổi theo từng giai đoạn hành trì pháp khác nhau, biến đổi theo từng tâm niệm tu hành. Có thể nói từng giờ, từng ngày, từng năm, từng kiếp, chúng ta hiểu Phật không giống nhau.
Có những tiểu thuyết diễn tả cảnh Phật trước khi đi tu cũng khổ lụy với tình cảm xa gia đình thực là lâm ly bi đát. Đó là hiểu Phật theo kiểu phàm phu, tác hại vô cùng. Nếu Tăng Ni trẻ hiểu lầm như vậy thì không thể nào tiến tu được. Theo tôi, chúng ta phải tìm hiểu xem cuộc sống của người viết tác phẩm nổi tiếng ấy như thế nào. Nếu họ chỉ là những tiểu thuyết gia của thế gian thì có gì cao siêu đáng cho chúng ta tin cậy. Thiết nghĩ chúng ta còn là con người bình thường chưa đạt được quả vị lớn lao nào, mà khi đi tu còn không có tâm niệm bi lụy như vậy, huống gì là Đức Thế Tôn lại như vậy.
Tóm lại, đi đúng hướng Phật dạy, cần ý thức việc tu hành của chúng ta là phải đoạn phiền não và thâm nhập huệ vô lậu. Huệ vô lậu phát sanh là do hành trì mà cảm hạnh, cảm đức của Phật. Người tu sĩ gia công hành trì pháp Phật, tâm nguyện và hành động gần Phật, nên đạo đức tự hiện, trí tuệ tự sáng. Người vừa nhìn thấy hay chỉ nghe đến tên họ là đã kính trọng. Họ không cần quan tâm đến những việc bình thường, nhưng không ai dám nói họ không biết, vì chẳng có việc khó nào mà họ không giải quyết tốt đẹp.
Chúng ta thường nêu khẩu hiệu tu Tam vô lậu học, nhưng chúng ta đã thực sự thâm nhập chưa. Chúng ta tự kiểm lại để biết, ít nhất là chúng ta cũng không còn khởi dậy tham sân si và quả vị thấp nhất phải chứng được là quả Dự lưu. Đó là điều mà Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi trên bước đường tu. Theo ngài, cần cố gắng đạt được quả Dự lưu, vì chưa đến trạng thái tu chứng này còn phải sợ bị đọa.
Chứng quả Dự lưu thì tối thiểu chúng ta phải chế ngự được ngũ ấm thân, hàng phục được phiền não, gặp chuyện đáng buồn giận không buồn giận. Còn miệng nói không cần quả vị A la hán, Bích chi Phật, quyền thừa Bồ tát; nhưng đến khi hành đạo, chạm thực tế khó khăn, mình chùn bước, bị người hủy nhục, mình buồn, được người khen, mình mừng rỡ, v.v… Phải tự biết như vậy là ta chưa chứng được quả vị nào. Tổ Vĩnh Gia quở rằng còn tham sân si phiền não mà nói kinh thì đó là danh tự Pháp sư, đếm tiền cho thiên hạ, còn ta thì vẫn đói lả.
Nối tiếp bước chân hành đạo của Phật, chúng ta rèn luyện sửa mình, nỗ lực tu học Phật pháp. Nhờ gia công hành trì tinh ba Phật dạy trong cuộc sống, tạo cho chúng ta niềm tin nơi Phật lực gia bị. Với căn lành và niềm tin mãnh liệt ở Phật hộ niệm, chúng ta hoan hỷ gánh vác Phật sự, vượt khó mà lòng vẫn luôn thanh thản, giải thoát. Từng bước đạo đức và trí tuệ tăng trưởng, công đức lành mỗi ngày một nhiều, chúng ta mãi mãi an trú trong ánh hào quang của chư Phật.