Sách
(Báo Giác Ngộ số 38 – năm 1992)
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước vào cuối năm 1981. Đến nay, Giáo hội đã hoàn thành cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương và hoạt động đã đi dần vào nề nếp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước không phải diễn ra một cách đơn giản. Tổ chức Phật giáo đã trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm mới tồn tại đến ngày nay.
Chúng tôi thiết nghĩ Tăng Ni cần hiểu biết tường tận quá trình Phật giáo Việt Nam đã phát triển về mặt tổ chức như thế nào từ thời du nhập cho đến ngày nay. Nhận thức được như vậy để thấy được vị trí hợp pháp của mình trong cộng đồng dân tộc và sẽ thực hiện những việc làm có lợi ích cho bản thân, cho đạo pháp và cho dân tộc.
Trong giai đoạn sơ khai lập quốc, đạo Phật đã có mặt bên cạnh dân tộc Việt Nam rất sớm, như một người bạn chí thân. Các nhà truyền giáo đến với tinh thần cứu khổ cứu nạn, đã trở thành nơi nương tựa của quần chúng. Các ngài góp phần giải quyết những tâm tư, thắc mắc và khó khăn trong đời sống cho mọi người.
Sự phục vụ của những nhà sư ngộ đạo có tính cách đa dạng, nên được dân chúng thương mến, kính trọng. Từ chỗ gần gũi, tiếp xúc, Phật giáo kết hợp với dân tộc để sản sinh ra Phật giáo Việt Nam đầy sức sống. Qua sử liệu, chúng ta thấy rõ ngay từ giai đoạn đầu, Phật giáo không phải chỉ hạn hẹp trong việc phục vụ tín ngưỡng, mà còn đóng góp thiết thực cho dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Vì vậy, mặc dù lúc bấy giờ đạo Phật chưa tổ chức thành Giáo hội như ngày nay, nhưng đã có sự gắn bó mật thiết về tình cảm và những đóng góp lợi ích. Phật giáo hiển nhiên khẳng định thực chất tồn tại của mình, thể hiện đầy đủ tính hợp pháp của một tôn giáo trên mảnh đất Việt Nam thân yêu ngay từ thuở ấy.
Bước qua thời kỳ đất nước độc lập, vua chúa bắt đầu ban hành những luật lệ thành văn quy định các hoạt động trong nước theo khuôn khổ luật pháp. Bấy giờ, vị trí của Tăng lữ và hoạt động của họ cũng được thừa nhận hợp pháp bằng hình thức chiếu chỉ. Thật vậy, lịch sử đã ghi lại không ít các nhà sư được vua ban chiếu chỉ Tăng Cang, Thái Sư, hay Quốc Sư, như Viên Chiếu, Thông Biện, Chân Không, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không. Hay Pháp sư Ngô Chân Lưu được phong làm Khuông Việt đại sư.
Như vậy, tính hợp pháp của sinh hoạt Phật giáo trong giai đoạn đất nước có luật lệ thành văn được thể hiện rõ nét qua các hoạt động truyền bá chính thức của các nhà sư dưới hình thức Tăng quan vậy.
Tuy nhiên, đến thời kỳ Việt Nam bị đặt dưới sự đô hộ của Pháp, chính phủ Pháp ban hành nhiều luật lệ, văn bản quy định về tôn giáo, hiệp hội. Nhưng với chính sách chia để trị, chính quyền Pháp không thừa nhận Phật giáo là một tôn giáo. Vì thế, chúng ta không có quyền hoạt động hợp pháp và không được hưởng quy chế của tôn giáo.
Hơn thế nữa, Phật giáo cũng không được nhìn nhận là một hội đoàn, nên không được quyền sinh hoạt theo luật lệ tổ chức hiệp hội. Có thể thấy rõ mọi hoạt động của Phật giáo lúc bấy giờ hoàn toàn bị đặt trong tình trạng "sống ngoài vòng pháp luật”. Nghĩa là sinh hoạt Phật giáo bị chính quyền Pháp loại bỏ hoàn toàn. Nếucó tồn tại, cũng chỉ là tồn tại của một hoạt động bất hợp pháp mà thôi. Và đã là bất hợp pháp, thì tất nhiên họ muốn bắt lúc nào cũng được.
Tình trạng này kéo dài đến năm 1945, chính quyền Pháp nhận thấy mặc dù Phật giáo không được công nhận hợp pháp; nhưng trên thực tế vẫn tồn tại và còn gắn bó mật thiết với các phong trào cách mạng chống Pháp. Vì vậy, để tách rời lực lượng Phật giáo ra khỏi các tổ chức nói trên, họ đã dùng thủ đoạn cho thành lập những hội đoàn Phật giáo đặt dưới sự lãnh đạo của các công chức tay sai. Như ở miền Nam có Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học do ông Cò-mi Chấn điều khiển; ở miền Bắc có ông Nguyễn Năng Quốc. Đây là khởi đầu của giai đoạn hội đoàn Phật giáo ra đời.
Sau đó, đến thời kỳ Việt Nam bị chia đôi đất nước. Bấy giờ ở miền Bắc, sinh hoạt Phật giáo được tập trung thành một Giáo hội Phật giáo hợp pháp duy nhất do cố Hòa thượng Trí Độ làm Hội chủ.
Ở miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành dụ số 10 quy định về sinh hoạt của hội đoàn. Phật giáo không được chính phủ công nhận là tôn giáo, không được hưởng quy chế tôn giáo giống như các tôn giáo khác.
Vì vậy, để được hoạt động hợp pháp, sáu tập đoàn Phật giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử của cả ba miền đã kết hợp lại để thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam do cố Hòa thượng Tịnh Khiết làm Hội chủ. Tổng hội Phật giáo dù mang danh xưng Phật giáo, nhưng không được phép sinh hoạt như một tôn giáo; chỉ được hoạt động dưới hình thức hội đoàn.
Song song với hoạt động của Tổng hội Phật giáo, chính phủ Diệm âm mưu phân tán nội bộ Phật giáo. Để làm cho lực lượng này trở thành yếu thế, họ đã cho phép nhiều Giáo hội khác nhau được hoạt động hợp pháp, như Giáo hội Lục Hòa Tăng, Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy, Hội Tịnh độ cư sĩ, v.v…
Tuy nhiên, với thời gian, chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Diệm càng ngày càng hạn chế tối đa sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo. Điều này khiến cho Tăng Ni, Phật tử phải thành lập phong trào đấu tranh năm 1963.
Các tập đoàn Phật giáo đã tập họp thành Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, yêu cầu chính phủ phải nhìn nhận Phật giáo là một tôn giáo. Và Tăng Ni, Phật tử phải được tự do tín ngưỡng, được quyền tổ chức, điều hành sinh hoạt tín ngưỡng theo cơ cấu, hệ thống, với luật lệ riêng của Phật giáo.
Qua cuộc đấu tranh đánh đổi bằng biết bao xương máu của Tăng Ni, Phật tử, kết quả là chính phủ Diệm bị lật đổ. Tổng hội Phật giáoViệt Nam với 6 tập đoàn cũ cộng thêm 5 giáo phái khác đã họp tại chùa Xá Lợi đầu năm 1964, để thành lập một tổ chức Phật giáo với danh xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Chính phủ Nguyễn Khánh đã ký sắc lệnh thừa nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo duy nhất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên, Phật giáo mới có đầy đủ quyền hạn sinh hoạt của tôn giáo theo Hiến chương và Nội quy riêng do chúng ta soạn thảo và được chính phủ cấp đất xây chùa Việt Nam Quốc Tự.
Với vị trí hợp pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tập họp được 11 giáo phái Phật giáo với số tín đồ đông đảo, có sự tổ chức tương đối chặt chẽ. Nhờ đó, Giáo hội mở rộng tầm hoạt động, phát triển được nhiều mặt; trong đó, có phần đóng góp đáng kể, như mở trường Bồ Đề phổ thông từ cấp tiểu học cho đến đại học, đào tạo Tăng Ni qua các trường Phật học Mông đẳng, Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng.
Tuy nhiên, tầm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bấy giờ cũng chỉ hạn chế trong các vùng đô thị của miền Nam mà thôi. Đến năm 1965, chính phủ Trần Văn Hương lại ký sắc lệnh thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Việc này nhằm mục tiêu xóa bỏ tư cách đại diện hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tạo điều kiện tách rời sự đoàn kết trong Giáo hội.
Đến năm 1966, trong Đại hội Phật giáo kỳ hai ở Việt Nam Quốc Tự, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đã áp lực Giáo hội sửa đổi Hiến chương và lập thành phần Ban Lãnh đạo mới, thân chính phủ. Các đại biểu không tán thành việc này, đã trở về chùa Ấn Quang để bầu Ban Lãnh đạo khác.
Kể từ đó, Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng phân hóa trầm trọng nhất, với hai Giáo hội là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quốc Tự thân chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Ấn Quang. Cả hai sinh hoạt riêng rẽ theo hai Hiến chương khác nhau. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Ấn Quang dù đã hai lần bị chính phủ xóa tên, nhưng vẫn tồn tại và sinh hoạt mạnh mẽ, được quần chúng ủng hộ.
Qua các diễn biến lịch sử kể trên, cho thấy miền Bắc chỉ có một Giáo hội duy nhất hợp pháp hoạt động. Trong khi ở miền Nam, chính quyền luôn chi phối con đường phát triển của Phật giáo, bằng cách tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển về bề rộng một cách bừa bãi, xô bồ. Và điều đó làm cho Phật giáo ngày càng tha hóa, biến chất về chiều sâu; tinh thần trong sáng của chánh pháp ngày càng phai mờ.
Tình trạng đó gây ra sự tranh giành ảnh hưởng giữa các tổ chức tập đoàn Phật giáo, đưa đến tình trạng xung đột nghiêm trọng, khiến cho Tăng Ni, Phật tử càng tha thiết mong mỏi Phật giáo được thống nhất.
Sau ngày đất nước được giải phóng, nguyện vọng đó càng trở nên bức thiết hơn và có nhiều cơ duyên thuận lợi thực hiện. Thật vậy, năm 1975, trong bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước đã ra đời. Bên cạnh hoạt động của tổ chức Phật giáo hợp pháp này, trên thực tế, một số các tập đoàn Phật giáo khác đã hình thành từ chế độ trước vẫn tồn tại và tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ; trong đó nổi bật nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tuy nhiên, tình trạng này tất yếu không thể kéo dài. Vì sau khi đất nước độc lập, thống nhất, các lực lượng quần chúng nhân dân đều thống nhất về mặt tổ chức. Phật giáo Việt Nam được coi là một tôn giáo luôn luôn gắn liền với dân tộc. Vì thế, Phật giáo không thể duy trì tình trạng phân chia Nam Bắc, không thể để tồn tại sự phân hóa cục bộ trong nhiều tập đoàn hệ phái. Cần phải tiến đến việc thống nhất thành một tổ chức Phật giáo duy nhất hợp pháp đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Nhận định sáng suốt này là quan điểm chung của chính quyền cách mạng và của giới lãnh đạo Phật giáo chúng ta.
Từ lập trường ấy, vào mùa Xuân 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, do cố Hòa thượng Trí Thủ làm Chủ tịch. Sau một năm hoạt động, đưa đến kết quả tổ chức thành công Hội nghị đại biểu của 9 tập đoàn Phật giáo vào tháng 11 năm 1981.
Hiến chương Phật giáo Việt Nam đã được Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn, cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công nhận thành phần Ban Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo duy nhất hợp pháp trong một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sinh hoạt trong khuôn khổ Hiến chương Giáo hội.
Hiến chương, một sản phẩm hình thành bằng trí tuệ tập thể của chư tôn đức lãnh đạo, chiếu theo luật pháp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và được sự biểu quyết đồng ý của tuyệt đại đa số đại biểu. Vì vậy, tôn trọng, chấp hành Hiến chương là duy trì Giáo hội và Giáo hội tồn tại là hoạt động Phật giáo tồn tại. Vì vậy, những việc làm nằm ngoài luật pháp thế gian và Hiến chương Giáo hội chẳng những không có giá trị, mà còn làm mất tính chất hòa hợp của Giáo hội và làm cho Phật giáo chúng ta trở nên suy yếu.
Với sự thống nhất Phật giáo hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên căn bản pháp lý của một tổ chức tôn giáo, Giáo hội chúng ta mới có đầy đủ điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động về mọi mặt. Từ trung ương đến hạ tầng cơ sở, hoạt động của Giáo hội chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định.
Ngoài ra, trong suốt quá trình mười năm, từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến ngày nay, chúng ta nhận thấy rõ không có một Giáo hội, hay giáo phái nào khác đứng tách riêng hoạt động đơn lẽ. Vì tất cả tập đoàn Phật giáo ở Việt Nam có cơ cấu tổ chức từ chế độ trước, không phân biệt tông môn hệ phái, sắc tộc, không kể quy mô lớn hay nhỏ, đều đã hoan hỷ tự nguyện kết hợp thành một Giáo hội sinh hoạt hài hòa theo Hiến chương Giáo hội. Điều này càng chứng tỏ chỉ có Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đầy đủ tư cách đại diện Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Tóm lại, tính cách khách quan của lịch sử đã khẳng định con đường phát triển về mặt tổ chức Phật giáo; từ hình thức mặc nhiên được công nhận, tiến đến hình thức tổ chức tập đoàn mang tính xã hội, hoặc mang tính tôn giáo được thừa nhận bằng những luật lệ thành văn. Tất cả đều hướng đến mục tiêu thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Ngày nay, sự hiện hữu duy nhất hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên quy mô cả nước và toàn diện là điều chưa từng có, tiêu biểu cho đỉnh cao về mặt tổ chức của con đường phát triển Phật giáo Việt Nam.
Với tính cách hợp pháp của Giáo hội trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, Giáo hội chẳng những giữ vững được hoạt động hợp pháp mà còn nâng cao chất lượng truyền trì chánh pháp. Trong hơn mười năm qua, các hoạt động có hiệu quả của Giáo hội trong khuôn khổ Hiến pháp, luật pháp Nhà nước gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân, đã nói lên được truyền thống thể nhập của Phật giáo Việt Nam trong mạch sống dân tộc.
Từ căn bản hợp pháp này, Tăng Ni Phật tử chúng ta cần ý thức sâu sắc rằng giờ đây chúng ta còn được an lành tu học, chính là nhờ tính cách pháp lý hợp pháp của Giáo hội đã được Nhà nước công nhận qua Hiến chương. Nếu chúng ta thiếu suy nghĩ, đi vào con đường sai lầm, nhằm phá vỡ tính cách hợp pháp của Giáo hội, chúng ta sẽ đưa sinh hoạt Phật giáo trở lại tình trạng bất hợp pháp. Đó là con đường nguy hiểm, không lối thoát, không lợi lạc gì cho bản thân nói riêng và đạo pháp nói chung.
Vì vậy, để cuộc sống tu học của chúng ta được bình ổn và rộng hơn, để công việc truyền bá chánh pháp được thực hiện tốt đẹp, Tăng Ni, Phật tử phải biết trân trọng điểm son đáng quý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy nhất, hợp pháp. Chúng ta có bổn phận gìn giữ những thành quả mà Giáo hội đã tạo được và tiếp tục xây dựng Giáo hội thêm lớn mạnh bằng cách nỗ lực học cho thành tài, tu cho thành đức, tự trang nghiêm đạo hạnh của mình đúng như lời Phật dạy. Có như vậy, chúng ta mới không cô phụ công ơn giáo dưỡng của các bậc cha anh và giữ vững mạng mạch Phật giáo Việt Nam trường tồn.