Sách
Hôm nay tôi đến thăm viếng trường hạ chùa An Phú, nhận thấy nơi đây phát triển, tôi rất hoan hỷ. Tuy sinh hoạt Phật giáo quận 8 còn nhiều khó khăn, nhưng chùa An Phú đã đóng góp công sức cho đạo pháp và giúp cho Phật tử an lành nhờ nương theo công đức tu hành của ba vị là Hòa thượng Pháp Quang, Hòa thượng Long Vân, Hòa thượng An Phú. Sau khi các vị Hòa thượng nói trên viên tịch, Thành hội Phật giáo e ngại hoạt động Phật sự của quận nhà sẽ khó giữ vững. Tuy nhiên, các vị thừa kế của chùa An Phú cũng như Ban Đại diện Phật giáo quận 8 chẳng những tiếp tục được sự nghiệp của các bậc tiền tối mà còn phát triển hơn nữa. Thật vậy, chùa An Phú được phát triển về mặt kiến trúc, có phòng ốc tiện nghi cho chư Tăng kiết hạ, cùng với Ban Đại diện Phật giáo quận 8 đã tổ chức được bốn trường hạ với 260 Tăng Ni An cư tu học trong mùa hạ năm nay. Đây là thành quả tiêu biểu của Ban Đại diện Phật giáo quận 8, thật đáng khích lệ. Thay mặt cho Ban Thường trực Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ, tôi tán dương công đức của Tăng Ni, Phật tử ở quận nhà và cảm ơn ban ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Sau đây, tôi có đôi lời nhắc nhở quý vị về tinh thần tu học.
Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần Đại thừa nên tồn tại hơn hai ngàn năm song hành với dân tộc một cách hài hòa sâu sắc. Vì Phật giáo Đại thừa không câu nệ hình thức, nên dễ tồn tại và phát triển, còn cố chấp theo mô hình có sẵn, không thay đổi thì không thích nghi với hoàn cảnh, với xã hội, làm sao sinh hoạt.
Tinh thần Đại thừa thể hiện rõ nét trong ba bộ kinh lớn là Bát Nhã, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Ba bộ kinh này gắn bó hữu cơ mật thiết, chúng ta nương theo đó vận dụng cho thích hợp lợi lạc trong cuộc sống của chính mình và giúp ích cho người. Các Tổ thường dạy: "Đại dụng tại tiền, quyền tại thủ”. Đại dụng là Phật cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất hàm chứa trong ba bộ kinh này. Và từ đại dụng ấy, chúng ta rút ra tinh ba thích hợp với thời đại này để sử dụng làm tốt đời, đẹp đạo. Theo tôi, chúng ta học kinh Bát Nhã trước. Điều đó không có nghĩa là lấy kinh ra học, giải thích văn tự. Bát Nhã nghĩa là trí tuệ, học Bát Nhã theo văn tự là bước thứ nhất, nhưng tiến xa hơn, chúng ta phải phát huy trí tuệ, tìm nghĩa lý sâu xa để ứng dụng trong cuộc sống tu hành, làm lợi ích cho cuộc đời là bước thứ hai. Tu hành thiếu trí Bát Nhã, chấp pháp nên càng tu càng bệnh, thì theo đó tâm phiền muộn cũng dễ phát sanh. Riêng tôi, nhận ra ý này, sử dụng trí tuệ để điều chỉnh cuộc sống, làm sao cho sức khỏe tốt, hiểu biết rộng và giúp được người. Xưa kia, các Tổ tu hành, phát huy trí tuệ và dùng trí quán sát thấy được mối tương quan hữu cơ giữa con người và thiên nhiên. Từ đó, các ngài điều hòa được vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ thích hợp với phong thổ, thời tiết, nên thân khỏe mạnh và sử dụng dược thảo chữa lành bệnh cho người, dạy người thuật dưỡng sinh, nhân đó mới cảm hóa được họ.
Từ căn bản trí tuệ giúp thân khỏe, tâm an, chúng ta bước qua giai đoạn hai, hành Bồ tát đạo theo kinh Hoa Nghiêm. Trong bộ kinh này đưa ra hình ảnh kiểu mẫu là Thiện Tài đồng tử cầu đạo qua năm mươi hai chặng đường, vẽ ra cho chúng ta quá trình hành đạo từ sơ phát tâm cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Và quan trọng nhất trong việc hành đạo suốt quá trình dài xa ấy là cần có người hướng dẫn đúng đắn. Đầu tiên, Thiện Tài gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ; nói cách khác, trước khi hành đạo, chúng ta phải có trí Văn Thù chỉ đạo. Có thể nghĩ Bồ tát Văn Thù có thật cũng được. Hoặc hiểu trí Văn Thù là trí Bát Nhã mà chúng ta đạt được ở giai đoạn một. Hoặc Văn Thù là vị thiện tri thức mà chúng ta kính trọng, tin tưởng, tu học theo sự hướng dẫn của họ. Trên thực tế cuộc sống, nhờ vị Giáo thọ A xà lê hướng dẫn ta tu hành, phát sanh trí tuệ, có thể coi như ta đã nương theo Xá Lợi Phất, đạt được trí tuệ của Thanh văn. Và tiến tu, chúng ta cảm nhận Bồ tát Văn Thù làm Thầy, tức vị Thầy ở tâm linh.
Khi tu Thiền ở Nhật Bản, tôi thấy họ kết hợp hai phần hữu hình và siêu hình. Thầy Giáo thọ dạy tôi đến đảnh lễ tượng Bồ tát Văn Thù xong, lên bồ đoàn ngồi Thiền. Như vậy, học ngữ ngôn văn tự với Thầy Giáo thọ, nhưng phải nghe được tượng gỗ Văn Thù nói gì với ta. Còn đảnh lễ tượng và tham Thiền mà không phát huệ thì chỉ là than nguội, củi mục. Làm thế nào lạy tượng Văn Thù, quán tưởng về ngài, cầu trí tuệ với ngài mà trí chúng ta sáng ra, tức nâng được đời sống tâm linh, thì theo đó thâm nhập Pháp giới, thấy Văn Thù xuất hiện và chúng ta làm theo những gì ngài chỉ dạy.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù dạy Thiện Tài đi tìm thiện tri thức vì không có thiện tri thức, chẳng thể hành Bồ tát đạo, không thành Phật được. Nhưng trong suốt năm mươi hai chặng đường cầu thiện tri thức, không phải chỉ có Giáo thọ, mà tất cả thành phần xã hội đều là thiện tri thức. Tầm sư học đạo theo tinh thần Đại thừa có tính cách rộng rãi, phóng khoáng như vậy, vì học với nhiều người ở các lãnh vực khác nhau mới có sự hiểu biết toàn diện, ứng xử thích nghi với từng lúc, từng nơi, từng người có lợi lạc. Phật giáo Việt nam tồn tại đa dạng theo tinh thần Hoa Nghiêm, lúc Phật pháp hưng thạnh thì xuất hiện các Thiền sư lỗi lạc gánh vác việc trị nước an dân, hoặc các vua quan phụng đạo, làm sáng danh đạo. Nhưng khi Phật giáo suy vi thì chỉ còn ông từ đốt nhang, giữ chùa, giữ kinh sách. Tất cả tồn tại một cách dễ thương, thích nghi theo từng hoàn cảnh để giữ được đạo pháp.
Văn Thù khuyên Thiện Tài lên núi cao gặp Đức Vân Tỳ kheo để học đức hạnh. Điều này gợi cho chúng ta ý thức nương theo các bậc cao đức được kính trọng để phát triển cuộc sống đạo hạnh của chúng ta. Vì đã là Tỳ kheo mà đánh mất giới đức kể như mất mạng. Thể nghiệm đức hạnh đầy đủ rồi, Đức Vân khuyên Thiện Tài nên cầu học với Hải Vân Tỳ kheo. Vị này ngồi trên biển, quán sát lâu ngày thấy biết rõ tất cả sinh hoạt của các loài thủy tộc. Cua thì đi ngang, tôm thì thụt lùi, râu càng dềnh dàng như tôm hùm nhưng gặp nguy lại nhát gan như sứa, v.v… Nếu lầm chúng là rồng, là phượng thì hỏng việc ngay. Nói cách khác, dấn thân vào đời hay vào biển khổ trần ai có đủ mọi thành phần, chúng ta phải biết rõ từng người. Biết ai là người làm được việc lớn, ai là người chúng ta cần giúp đỡ, giáo dưỡng để sau này gánh vác đạo pháp. Đối với hạng người nào, chúng ta phải dùng kỷ luật chặt chẽ, đối với ai, chúng ta có thể dùng phương tiện dịu ngọt. Vì mỗi người có tánh tình, khả năng, ứng xử công việc hoàn toàn khác nhau, không thể hướng dẫn chung chung. Thấy biết người một cách chính xác như vậy mà kinh thường diễn tả là thấy căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh. Có tầm nhìn xa thấy rộng, chúng ta mới không bị vấp ngã, không bị sát hại trên bước đường hành đạo và thành công trong việc giáo hóa chúng sanh. Trong biển cả, Tỳ kheo Hải Vân thấy các loài sinh hoạt hỗ tương, nương nhau tồn tại. Trong xã hội chúng ta cũng vậy, giữa người với nhau, giữa loài người và muôn vật trong thiên nhiên đều có sự tương quan cộng tồn. Phật dạy ai thấy được và sống được với sự tương quan tương duyên ấy, thì người đó thành Phật.
Kinh Hoa Nghiêm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của muôn pháp hỗ tương, từ đó mở ra tầm nhìn thoáng, tuy mỗi người làm một việc, nhưng đều có liên hệ với nhau để tồn tại. Ý thức được điều ấy, mỗi người nỗ lực làm tốt phần mình sẽ đóng góp thêm vào phần tốt cho đoàn thể, cho cộng đồng xã hội. Trái lại, chê bai nhau, chống đối nhau, chắc chắn dẫn đến tiêu diệt nhau thì tất cả đều băng hoại, chẳng lợi lạc gì. Người xưa thường nói: Nước trong không cá, người tốt không bạn. Riêng tôi, chẳng muốn làm người tốt mà trơ trọi một mình. Tôi cần có nhiều bạn vì thiết nghĩ trên đường hành Bồ tát đạo dài xa, đạo quân Hiền Thánh càng đông, chúng ta càng dễ vượt qua biển khổ sanh tử. Cảm nhận sâu sắc tinh thần kinh Hoa Nghiêm, tôi thường tu pháp tùy thuận thế duyên, tìm mọi cách để hài hòa với người.
Trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, chúng ta sử dụng những phương tiện thích nghi để tu hành, độ sanh mà vẫn giải thoát. Có như vậy, chúng ta mới gặp được Thiện Trụ Tỳ kheo là vị Đạo sư thứ ba đã hướng dẫn Thiện Tài. Học theo Thiện Trụ, chúng ta hành đạo, nhưng vẫn nhớ trụ tâm, đừng để bên ngoài tác động. Ta làm biết bao nhiêu việc khác nhau mà tâm Bồ đề không thay đổi, tư chất của người tu không mất. Đó là pháp tu hằng tùy duyên nhưng thường bất biến. Thành tựu được pháp tùy thuận thế duyên vô quái ngại, cuối cùng Thiện Tài gặp Bồ tát Phổ Hiền, Quan Âm và gặp lại Văn Thù Sư Lợi, đi vào cảnh giới bất tư nghì giải thoát, kết thúc quá trình hành Bồ tát đạo, tiến lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. Từ đó, trở lại cuộc đời, bước chân giáo hóa đến nơi nào đều thể hiện mẫu người mô phạm đầy đủ tâm từ bi, trí sáng suốt và việc làm vô ngã vị tha mang an vui, giải thoát cho người. Đó là tư cách thánh thiện của hành giả Pháp Hoa, bên trong đầy đủ Diệu pháp, bên ngoài hiện ra thân tướng và việc làm thơm ngát như hoa sen, sống giữa trần ai mà không vướng chút bợn nhơ của thế gian.
Ngày nay, chúng ta theo dấu chân các vị Bồ tát lớn, từng bước chân tự hành hóa tha, vẫn luôn tâm niệm: "Nhiên hậu bất xả Pháp giới, biến nhập trần lao, đẳng Quan Âm chi từ tâm, hành Phổ Hiền chi nguyện hải. Tha phương thử giới, trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân, diễn dương Diệu pháp…”, ngõ hầu báo đáp công ơn muôn một của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Bài giảng tại trường hạ chùa An Phú, Q.8, 1998- PL 2539)