Sách
Tôi rất vui khi thấy chư tôn đức Tăng Ni tu học ở vùng xa đã tuân thủ lời Phật dạy, tổ chức kiết giới An cư, thúc liễm thân tâm, siêng tu tam vô lậu học. Tôi nghĩ mỗi hành giả đã nỗ lực phát huy đạo đức, trí tuệ và năng lực như vậy để đủ sức đảm đang trọng trách Giáo hội giao phó và hướng dẫn tín đồ sống đúng chánh pháp, làm lợi ích cho chúng hữu tình. Đó là việc làm quý báu, đáng biểu dương.
Khi thăm lại chùa Cổ Lễ, tôi nhớ đến cố Hòa thượng Thế Long. Ngài là một trong những vị có công đầu trong việc vận động Phật giáo cả nước thống nhất. Thừa hưởng sự nghiệp mà ngài để lại, chúng ta luôn ghi nhớ công đức của ngài. Ngoài ra, nghĩ xa hơn đến lịch đại Tổ sư, chúng ta không thể không nhắc đến Tổ Thần Quang. Ngài đã từng trải thân đóng góp trí tuệ và công sức cho Phật giáo và dân tộc chúng ta. Nhờ ngài mà Phật giáo Việt Nam có thế đứng vững mạnh trong lòng dân tộc.
Tôi nhắc nhở Tăng Ni địa phương cần trân trọng thành quả của những người đi trước và phát huy năng lực của mình để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, dân tộc và đạo pháp. Chúng ta đóng góp bằng cách nào. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương đã nhắc nhở chúng ta rằng đạo Phật chỉ dùng đạo đức, đạo lực, đạo hạnh để cảm hóa người. Tăng Ni cấm túc An cư để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức là tự xây dựng đạo đức cho mình, khiến người phải mến phục và phát tâm sống theo tinh thần Phật dạy. Ngoài ra, quý vị cần siêng tu tam vô lậu học để có trí tuệ, mới hướng dẫn được Phật tử đi đúng lộ trình Phật đạo, giúp họ sống có lợi ích, có ý nghĩa. Vì sự hiện hữu của một vị Tỳ kheo ở nơi nào thì ở đó được an lành. Tổ Thần Quang đã thể hiện tinh thần này. Với trí tuệ, đạo đức và năng lực siêu việt, ngài đã cảm hóa được vua Lý Thần Tông và nhiều người thời ấy. Làm như vậy, ngài đã đưa Phật giáo tiến đến đỉnh cao ngời sáng.
Lịch sử cho thấy tỉnh nhà của chúng ta đã xuất hiện nhiều bậc cao Tăng làm rường cột của Phật giáo. Tôi mong rằng trong thời đại chúng ta cũng sẽ có những danh Tăng đem lại sự phồn vinh cho đất nước và đạo pháp. Thiết nghĩ trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta thường nỗ lực vượt qua. Người xưa cũng nói có khó mới có khôn. Trong Phật đạo, chúng ta cũng thường nghe nói không vượt được ma chướng thì không thành Vô thượng Chánh giác. Trong vùng này tuy có nhiều tôn giáo khác, nhưng tôi tin tưởng rằng nhờ cọ xát với thực tế, có dịp sinh hoạt với các tôn giáo bạn, quý vị sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để phát huy năng lực, đạo lực thực sự của Tăng già. Đó mới là điều quan trọng cần phải thực hiện.
Nhớ lại xưa kia, Đức Phật mới thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Lúc đó, ở nước Ấn Độ đã có mười sáu dị kiến ngoại đạo và vô số học phái cùng các tổ chức tôn giáo khác. Nhưng Đức Phật đã từng bước khắc phục những khó khăn do họ gây ra và Ngài đã chỉ rõ những sai trái của họ để dẫn dắt người dân Ấn đi trên con đường chân chánh và xây dựng một xã hội lành mạnh.
Đức Phật Thành đạo, với trí tuệ siêu tuyệt, hiểu biết đúng đắn hoàn toàn, Ngài biết rõ người nào có duyên với Ngài, nhân duyên của họ đã thuần thục, hay phải đợi kiếp sau mới giáo hóa được, v.v… Vì vậy, bất cứ ai được Phật hướng dẫn, họ cũng phát huy được đời sống tinh thần và vật chất. Người thuận hay nghịch với Phật, Ngài đều giáo hóa được. Nhắc đến kinh nghiệm hành đạo của Đức Phật để nhận ra việc làm của chúng ta ngày nay cần phải như thế nào. Tại mảnh đất này, có nhiều tôn giáo khác. Chúng ta phải thấy điểm mạnh của họ để học và khắc phục điểm yếu của mình. Qua sinh hoạt thực tế, chúng ta thấy tôn giáo bạn đã một thời phát triển được lãnh vực giáo dục và xã hội rất mạnh, tạo ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Phật giáo chúng ta không có mặt thuận lợi. Có thể khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam được ưu thế quý báu vô cùng, đó là sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc đã trải qua bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Ngày nay, đất nước chúng ta được thống nhất, độc lập thì Phật giáo lại có thêm những thuận duyên mà trước kia chưa có, đó là thế mạnh của chúng ta. Thật vậy, đạo Phật với truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân tộc cả ngàn năm như vậy, nên khi đất nước được thống nhất thì đạo Phật cũng thống nhất thành một tổ chức duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sinh hoạt của chúng ta không bị phân hóa hệ phái này, tông phái khác, v.v… như trước khi được thống nhất. Từ khi Phật giáo Việt Nam thống nhất đến nay, sinh hoạt với nhau, từng bước chúng ta hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau và trở nên gắn bó, thân thiết với nhau, hỗ trợ nhau tu hành. Vì chúng ta có chung một tổ quốc Việt Nam và cùng tôn thờ một đấng cha lành là Đức Phật. Phải nói đó là mặt thuận lợi nhất của chúng ta, đã giúp sinh hoạt Phật giáo Việt Nam phát triển nhanh chóng mà từ trước chưa bao giờ có được. Nhờ thống nhất, chúng ta cũng có điều kiện gần gũi, trao đổi, thăm viếng, hỗ trợ từ trung ương đến địa phương, từ vùng thành thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Và đáng nói là trình độ Phật học của Tăng Ni cả nước đã được phát triển cao, với hàng chục tu sĩ có học vị Tiến sĩ và Thạc sĩ, hàng trăm tu sĩ tốt nghiệp Đại học. Sự thành công này rất đáng mừng cho Phật giáo chúng ta. Khi trình độ kiến thức được nâng cao, tầm nhìn về xã hội và thế giới có sự thay đổi đúng đắn, chúng ta mới hòa nhập được với xã hội và cộng đồng thế giới.
Ngoài việc Tăng Ni đã phát huy trí tuệ, Phật giáo Việt Nam còn thành tựu một việc đáng kể khác mà Phật giáo các nước chưa làm được. Đó là sự thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí và hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí và hành động không có nghĩa là mọi việc tu hành hay sinh hoạt ở ba miền Bắc, Trung, Nam, hoặc ở vùng thành thị, hay vùng thôn quê đều giống nhau. Vì cốt lõi của tinh thần Phật giáo là tùy duyên, nhưng bất biến. Ý này rất quan trọng mà tôi muốn nhắc nhở quý vị.
Bất biến là chân lý muôn đời không thay đổi. Tu sĩ chúng ta bước theo lộ trình Phật đạo luôn phát huy trí tuệ, đạo đức và làm lợi ích cho mọi người. Chân lý này muôn đời không thay đổi. Tùy duyên là tùy hoàn cảnh từng nơi, từng lúc có sự áp dụng pháp Phật khác nhau để sinh hoạt đạo pháp thích nghi và tồn tại. Vì vậy, chúng ta phải vận dụng trí tuệ phương tiện để nhận biết được tình hình của địa phương mình phải truyền bá chánh pháp như thế nào có lợi cho đạo pháp và xã hội. Không rập khuôn được. Mỗi nơi Phật giáo truyền bá đến, các nhà truyền giáo trước kia đều có cách sinh hoạt phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống của từng vùng, thích ứng với trình độ dân trí hay chế độ chính trị, kinh tế nơi đó.
Ngày nay, Tăng Ni học kinh Bảo Tích, để biết phương cách hành đạo của Phật, Bồ tát, Thánh Hiền. Nhưng quý vị phải nghĩ ra phương cách sinh hoạt cho phù hợp với xã hội hiện tại, để tạo mối tương quan mật thiết giữa Tăng đoàn và cộng đồng xã hội. Chúng ta không thể nào sinh hoạt tách rời xã hội được. Kinh Bảo Tích tập hợp tất cả lời Phật dạy thành một thiên tài liệu quý báu giúp người đời sau nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc sống tu hành. Tôi may mắn được học bộ kinh này từ bốn mươi năm trước và rút ra được những tinh ba để ứng dụng trong việc truyền bá chánh pháp, thành tựu được một số việc tốt đẹp. Tôi còn nhớ trong kinh Bảo Tích, Đức Phật dạy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vào thành gặp ác ma chống phá, nói xấu đạo Phật, thì Văn Thù nên buộc ma nói ngược lại suy nghĩ của họ. Phật và ma là thế nào? Phật là bậc Chánh biến tri, thấy sự vật chính xác, nên Ngài nói đúng, làm đúng, không bao giờ phạm sai lầm. Ma thì hoàn toàn trái lại; chúng luôn luôn hiểu sai, thấy sai, nói sai và làm sai.
Trí Văn Thù vào thành, nhận thấy ma nói sai thì buộc chúng nói đúng. Ý này nhằm chỉ rằng trên bước đường truyền bá chánh pháp của Đức Phật, gặp người nói sai, hiểu sai, làm sai, chúng ta phải phát tâm Từ, thương xót cho sự mê lầm của họ và chỉ dẫn họ từng bước trở về chánh đạo, giúp họ hiểu đúng, nói đúng, làm đúng. Chúng ta cũng dùng trí phương tiện biết tùy thời mà ứng dụng pháp tương ưng. Thời Phật tại thế, người ta sống du mục, nên việc xây dựng tu viện không được đặt ra, nhưng lấy khổ hạnh đầu đà làm việc chính. Ngày nay, tất yếu có thay đổi theo sự tiến bộ của loài người. Chúng ta có những kiến trúc các ngôi chùa đồ sộ bằng bê tông cốt thép, khác hơn nhiều so với thời cha ông chúng ta chỉ dùng đất, gỗ làm chùa. Thời đại văn minh ngày nay, chúng ta phải ứng dụng sự tiến bộ của khoa học vào cuộc sống tu hành, thì Phật giáo mới tồn tại và phát triển, làm được nhiều việc hơn. Không thể rập khuôn việc làm của các vị Tổ sư; nhưng chúng ta giống các ngài ở điểm thấy chính xác để giúp nhân dân sống phù hợp với thời đại mới. Không nên kéo tín đồ sinh hoạt theo thời xa xưa. Cố chấp bất cứ điều gì cũng không có lợi, mà còn làm cho Phật giáo bị suy yếu. Thời xưa khác thời nay và sau này cũng phải theo sự tiến bộ của con người để nâng điều kiện tu học của chúng ta cao hơn. Thời đại chúng ta bùng nổ công nghệ tin học và mối quan hệ giữa con người và giữa các nước với nhau cũng khác rất nhiều. Có điều kiện, chúng ta nên cho Tăng Ni trẻ đi sâu vào lãnh vực tin học để hiểu biết những điều tốt đẹp của văn minh thế giới, của sinh hoạt Phật giáo thế giới trong thời hiện đại.
Ngày xưa, các vị Tổ viết kinh trên lá bối. Việc di chuyển kinh điển đến nơi khác khó vô cùng. Nhưng ngày nay, với tiến bộ của tin học, chúng ta có thể ghi một bộ đại tạng kinh vào một đĩa mềm chỉ nặng vài chục gram. Thiết nghĩ nếu biết ứng dụng văn minh khoa học vào việc tu hành, kiến thức chúng ta sẽ tăng rất nhanh. Chính bản thân tôi nhờ được hưởng điều kiện tốt là được Hòa thượng Thiện Hòa cho du học Nhật Bản. Tôi mới có cơ hội tiếp thu văn minh xứ người và phục vụ có hiệu quả cho sinh hoạt đạo pháp của chúng ta.
Tôi tin tưởng rằng lớp Tăng Ni ngày nay với sự năng động của tuổi trẻ và được tiếp thu sự tiến bộ của văn minh khoa học hiện đại, quý vị có điều kiện hiểu giáo lý sâu sắc hơn, sẽ làm được nhiều việc hơn. Từ đó, tạo cho Phật giáo Việt Nam vị trí tốt đẹp trong lòng dân tộc và trong cộng đồng quốc tế. Cầu nguyện cho tất cả đệ tử Phật tăng trưởng trí tuệ, thấy biết sự việc chính xác, đóng góp hữu hiệu cho việc phát triển đạo pháp và đất nước chúng ta.
(Bài giảng tại các trường hạ tỉnh Nam Định, Hà Nội ngày 9-8-2004)