Sách
(Bài giảng trường hạ tỉnh An Giang, chùa Kỳ Viên, ngày 18-6-2005)
Tuân thủ lời Phật dạy, hàng năm, Tăng Ni cấm túc An cư ba tháng, để Phật pháp được cửu trụ thế gian và làm lợi ích chúng hữu tình. Trên tinh thần đó, tôi thay mặt Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến thăm viếng chư Tăng Ni An cư tại tỉnh nhà và hướng dẫn Phật tử cúng dường, tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni được tu học trong chánh pháp.
Ý nghĩa An cư mà chúng ta đang thực hiện rất quan trọng. Về hình thức, chúng ta cùng tập hợp tại một địa điểm trong suốt ba tháng, thể hiện lòng từ bi của Đức Phật là tránh sự dẫm đạp lên các loài hữu tình có thân mạng nhỏ bé trong mùa chúng sanh sôi nảy nở. Việc quan trọng thứ hai của sự An cư đối với chúng ta là thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Vì không thực hiện được mục tiêu này, An cư chỉ mang tính hình thức.
Về giới đức, bước đầu chúng ta thọ giới pháp mà Phật dạy và cố gắng giữ gìn giới pháp, nhằm ngăn chặn, không cho phiền não, nghiệp chướng sanh khởi. Thật vậy, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni có giữ giới đúng như pháp, phiền não không sanh, nghiệp chướng không thể tăng trưởng; đó là điều vô cùng quan trọng trên bước đường tu. Trong mùa An cư, chúng ta tập hợp một chỗ, đọc lại giới bổn và cân nhắc, cố khắc phục những điều chưa làm được để giới tướng thanh tịnh. Có những việc sai lầm mà chúng ta có thể tự phát hiện lỗi mình và tự sửa đổi, nhưng cũng có việc chúng ta không thấy được sự yếu kém của mình, thì nhờ bạn đồng tu chỉ bảo giúp để điều chỉnh cho đúng. Hoặc cũng có thể nhìn bạn xử sự với chúng ta như thế nào mà biết được nghiệp của mình nặng hay nhẹ, có phước hay không. Nếu ta có phước báo thì người nhìn thấy phải vui, người trông thấy ta mà phiền não, tự biết mình nghiệp nặng. Biết như vậy, phải nỗ lực tu hành, sám hối nghiệp căn, đọc tụng, suy nghĩ giới bổn, an trụ trong pháp Phật, thay vì buồn phiền, bực tức, cho rằng người không hiểu ta, người nói xấu ta. Đó là điều mà tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni tu hành trong tịnh nghiệp đạo tràng.
Việc thứ hai, nếu giữ giới thanh tịnh, tâm chúng ta luôn an lành, phiền não không sanh ra. Được như vậy, chúng ta không lo giữ giới, nhưng giới thể tự thanh tịnh, vì đã biến giới thành đức, gọi là giới đức. Ở bước đầu khởi tu cần giữ giới để ràng buộc nghiệp chướng trần lao, nhưng giai đoạn hai, người thấy ta thanh tịnh và cung kính là biết chúng ta đã chuyển giới thành đức, tức tạo được đức hạnh. Tỳ kheo giáo hóa chúng sanh mà thiếu đức hạnh, dù có hiểu biết và thuộc lòng tám muôn bốn ngàn pháp môn, việc giáo hóa cũng không đạt kết quả tốt. Điều này thể hiện rõ nét ở thời pháp đầu tiên của Đức Phật tại Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, đối với Kiều Trần Như, giới đã thanh tịnh, đức đã sanh, nên Phật cho phép Kiều Trần Như cùng đi khất thực với Ngài. Bốn vị Tỳ kheo còn lại chưa được đi khất thực, Phật dạy phải trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Đức Phật và năm Thầy Tỳ kheo đầu tiên thanh tịnh này tạo thành hạt nhân phát triển đạo Phật từ hơn hai ngàn năm trước cho đến ngày nay. Trải qua một thời gian dài của lịch sử Phật giáo, nơi nào mà Tăng Ni chỉ tu hình thức, không có giới đức, Phật pháp suy đồi. Phật pháp chỉ hưng thạnh ở những nơi có tu sĩ tỏa sáng giới đức. Chính đức hạnh mới có khả năng cảm hóa mọi người một cách dễ dàng.
Ngoài ra, còn việc quan trọng hơn cả đối với người tu trong mùa An cư là siêng tu tam vô lậu học, nghĩa là rèn luyện mình thành Tỳ kheo có trí tuệ. Theo Phật, Tỳ kheo thông lợi có trí tuệ thấy sự vật từ nguyên nhân đến kết quả một cách chính xác, thấy tập nghiệp của người từ quá khứ nhiều đời cho đến hiện đời, biết họ muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, theo đó dạy họ trở thành người tốt, người có ích lợi cho đời. Không phải dạy để biến họ thành con chiên ngoan đạo, chỉ biết vâng lời. Tỳ kheo có trí tuệ rất cần trong thời đại chúng ta. Vì thế, trong thời gian siêng tu ba tháng An cư, Tăng Ni phải rèn luyện mình trở thành Tỳ kheo có trí tuệ. Muốn trí tuệ phát sanh, Phật dạy rõ quá trình văn, tư, tu. Trước nhất phải học rộng nghe nhiều. Không nghe giáo pháp, không học giáo nghĩa, mà chỉ gia công Thiền định, trí tuệ chẳng những không thể phát sanh, mà còn lạc vào đường tà.
Giai đoạn một, cần học rộng, nghe nhiều. Học rộng là thông cả nội, ngoại điển, hiểu tám muôn bốn ngàn pháp môn, thông suốt mười hai bộ kinh, tam tạng giáo nghĩa. Ngoài ra, còn phải hiểu biết văn minh nhân loại ngày nay. Có như vậy, mới không bị cuộc đời đẩy chúng ta ra ngoài lề xã hội. Biết đạo, thông đời, biết rõ hoàn cảnh của người và biết nên làm gì tốt đạo đẹp đời, mới dạy được người sống theo đúng chánh pháp. Nhật Liên Thánh nhân dạy rằng muốn thuyết pháp phải quán sát nhân duyên, thấy người có căn lành với Phật pháp, hay người thuận duyên, nghịch duyên với Phật pháp, theo đó có cách đối trị tương ưng. Với người có căn lành, chúng ta giáo hóa cho căn lành của họ phát triển. Nếu người có nghiệp ác, ta dạy họ cách khắc phục nghiệp để trở thành người tốt. Phật dạy rằng người thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai. Vì vậy, việc quan trọng nhất là bước chân vào đời giáo hóa chúng sanh, phải thấy nhân duyên từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay giữa ta và chúng hội để dạy cho mọi người đạt được lợi ích thiết thực trên bước đường tu.
Những gì Phật đã dạy, Tổ đã nói, chúng ta nương theo thực hành, nhất định có kết quả tốt đẹp. Về phần hình thức, tôi thấy chúng hội trang nghiêm thanh tịnh là điều đáng mừng. Nhưng tôi mong Tăng Ni phát triển hơn nữa giới, định, tuệ và cần nhớ rằng trí tuệ sanh ra từ nghe, suy nghĩ trong Thiền định mới giúp chúng ta có được vô lậu huệ thực sự. Kính chúc chư tôn đức luôn an lành trong chánh pháp và quý Phật tử đủ thắng duyên thân cận, hộ trì Tam Bảo để chánh pháp còn mãi trên thế gian lợi ích cho chúng hữu tình.
Tuân thủ lời Phật dạy, hàng năm, Tăng Ni cấm túc An cư ba tháng, để Phật pháp được cửu trụ thế gian và làm lợi ích chúng hữu tình. Trên tinh thần đó, tôi thay mặt Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến thăm viếng chư Tăng Ni An cư tại tỉnh nhà và hướng dẫn Phật tử cúng dường, tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni được tu học trong chánh pháp.
Ý nghĩa An cư mà chúng ta đang thực hiện rất quan trọng. Về hình thức, chúng ta cùng tập hợp tại một địa điểm trong suốt ba tháng, thể hiện lòng từ bi của Đức Phật là tránh sự dẫm đạp lên các loài hữu tình có thân mạng nhỏ bé trong mùa chúng sanh sôi nảy nở. Việc quan trọng thứ hai của sự An cư đối với chúng ta là thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Vì không thực hiện được mục tiêu này, An cư chỉ mang tính hình thức.
Về giới đức, bước đầu chúng ta thọ giới pháp mà Phật dạy và cố gắng giữ gìn giới pháp, nhằm ngăn chặn, không cho phiền não, nghiệp chướng sanh khởi. Thật vậy, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni có giữ giới đúng như pháp, phiền não không sanh, nghiệp chướng không thể tăng trưởng; đó là điều vô cùng quan trọng trên bước đường tu. Trong mùa An cư, chúng ta tập hợp một chỗ, đọc lại giới bổn và cân nhắc, cố khắc phục những điều chưa làm được để giới tướng thanh tịnh. Có những việc sai lầm mà chúng ta có thể tự phát hiện lỗi mình và tự sửa đổi, nhưng cũng có việc chúng ta không thấy được sự yếu kém của mình, thì nhờ bạn đồng tu chỉ bảo giúp để điều chỉnh cho đúng. Hoặc cũng có thể nhìn bạn xử sự với chúng ta như thế nào mà biết được nghiệp của mình nặng hay nhẹ, có phước hay không. Nếu ta có phước báo thì người nhìn thấy phải vui, người trông thấy ta mà phiền não, tự biết mình nghiệp nặng. Biết như vậy, phải nỗ lực tu hành, sám hối nghiệp căn, đọc tụng, suy nghĩ giới bổn, an trụ trong pháp Phật, thay vì buồn phiền, bực tức, cho rằng người không hiểu ta, người nói xấu ta. Đó là điều mà tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni tu hành trong tịnh nghiệp đạo tràng.
Việc thứ hai, nếu giữ giới thanh tịnh, tâm chúng ta luôn an lành, phiền não không sanh ra. Được như vậy, chúng ta không lo giữ giới, nhưng giới thể tự thanh tịnh, vì đã biến giới thành đức, gọi là giới đức. Ở bước đầu khởi tu cần giữ giới để ràng buộc nghiệp chướng trần lao, nhưng giai đoạn hai, người thấy ta thanh tịnh và cung kính là biết chúng ta đã chuyển giới thành đức, tức tạo được đức hạnh. Tỳ kheo giáo hóa chúng sanh mà thiếu đức hạnh, dù có hiểu biết và thuộc lòng tám muôn bốn ngàn pháp môn, việc giáo hóa cũng không đạt kết quả tốt. Điều này thể hiện rõ nét ở thời pháp đầu tiên của Đức Phật tại Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, đối với Kiều Trần Như, giới đã thanh tịnh, đức đã sanh, nên Phật cho phép Kiều Trần Như cùng đi khất thực với Ngài. Bốn vị Tỳ kheo còn lại chưa được đi khất thực, Phật dạy phải trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học. Đức Phật và năm Thầy Tỳ kheo đầu tiên thanh tịnh này tạo thành hạt nhân phát triển đạo Phật từ hơn hai ngàn năm trước cho đến ngày nay. Trải qua một thời gian dài của lịch sử Phật giáo, nơi nào mà Tăng Ni chỉ tu hình thức, không có giới đức, Phật pháp suy đồi. Phật pháp chỉ hưng thạnh ở những nơi có tu sĩ tỏa sáng giới đức. Chính đức hạnh mới có khả năng cảm hóa mọi người một cách dễ dàng.
Ngoài ra, còn việc quan trọng hơn cả đối với người tu trong mùa An cư là siêng tu tam vô lậu học, nghĩa là rèn luyện mình thành Tỳ kheo có trí tuệ. Theo Phật, Tỳ kheo thông lợi có trí tuệ thấy sự vật từ nguyên nhân đến kết quả một cách chính xác, thấy tập nghiệp của người từ quá khứ nhiều đời cho đến hiện đời, biết họ muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, theo đó dạy họ trở thành người tốt, người có ích lợi cho đời. Không phải dạy để biến họ thành con chiên ngoan đạo, chỉ biết vâng lời. Tỳ kheo có trí tuệ rất cần trong thời đại chúng ta. Vì thế, trong thời gian siêng tu ba tháng An cư, Tăng Ni phải rèn luyện mình trở thành Tỳ kheo có trí tuệ. Muốn trí tuệ phát sanh, Phật dạy rõ quá trình văn, tư, tu. Trước nhất phải học rộng nghe nhiều. Không nghe giáo pháp, không học giáo nghĩa, mà chỉ gia công Thiền định, trí tuệ chẳng những không thể phát sanh, mà còn lạc vào đường tà.
Giai đoạn một, cần học rộng, nghe nhiều. Học rộng là thông cả nội, ngoại điển, hiểu tám muôn bốn ngàn pháp môn, thông suốt mười hai bộ kinh, tam tạng giáo nghĩa. Ngoài ra, còn phải hiểu biết văn minh nhân loại ngày nay. Có như vậy, mới không bị cuộc đời đẩy chúng ta ra ngoài lề xã hội. Biết đạo, thông đời, biết rõ hoàn cảnh của người và biết nên làm gì tốt đạo đẹp đời, mới dạy được người sống theo đúng chánh pháp. Nhật Liên Thánh nhân dạy rằng muốn thuyết pháp phải quán sát nhân duyên, thấy người có căn lành với Phật pháp, hay người thuận duyên, nghịch duyên với Phật pháp, theo đó có cách đối trị tương ưng. Với người có căn lành, chúng ta giáo hóa cho căn lành của họ phát triển. Nếu người có nghiệp ác, ta dạy họ cách khắc phục nghiệp để trở thành người tốt. Phật dạy rằng người thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai. Vì vậy, việc quan trọng nhất là bước chân vào đời giáo hóa chúng sanh, phải thấy nhân duyên từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay giữa ta và chúng hội để dạy cho mọi người đạt được lợi ích thiết thực trên bước đường tu.
Những gì Phật đã dạy, Tổ đã nói, chúng ta nương theo thực hành, nhất định có kết quả tốt đẹp. Về phần hình thức, tôi thấy chúng hội trang nghiêm thanh tịnh là điều đáng mừng. Nhưng tôi mong Tăng Ni phát triển hơn nữa giới, định, tuệ và cần nhớ rằng trí tuệ sanh ra từ nghe, suy nghĩ trong Thiền định mới giúp chúng ta có được vô lậu huệ thực sự. Kính chúc chư tôn đức luôn an lành trong chánh pháp và quý Phật tử đủ thắng duyên thân cận, hộ trì Tam Bảo để chánh pháp còn mãi trên thế gian lợi ích cho chúng hữu tình.