Sách
Đạo Phật thường sử dụng khẩu hiệu duy tuệ thị nghiệp, nghĩa là đệ tử Phật lấy thành quả giác ngộ làm việc chính yếu. Thật vậy, Đức Phật có thừa điều kiện sống cao sang, nhưng Ngài đã từ bỏ cuộc sống xa hoa của thế gian để cầu giải thoát. Chúng ta là đệ tử Phật, sống theo Ngài, tất yếu cũng hướng đến cứu cánh giải thoát, phát huy trí tuệ.
Theo dòng lịch sử, Phật giáo ở Việt Nam hay ở các nước trên thế giới đều trải qua giai đoạn cực thịnh cũng như suy đồi. Thiết nghĩ lúc Phật giáo suy yếu vì chư Tăng thiếu trí tuệ, chỉ theo kinh văn, không phát huy được nội lực, không sống hòa hợp. Vì thế, việc làm của họ thường phạm sai lầm, nên không đủ uy tín để lãnh đạo Giáo hội và đại chúng. Nhưng khi có các bậc cao Tăng đắc đạo ra đời, lập giáo khai tông thích hợp với sinh hoạt xã hội thì lúc ấy Phật giáo được hưng thạnh.
Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương nhắc nhở Tăng Ni phải tăng cường đạo lực, nghĩa là phát huy trí tuệ, từ bi, nhẫn nhục, tinh tấn trong nếp sống Thiền môn. Vị Tăng có trí tuệ thấy việc đáng nhẫn, việc đáng làm, cần vượt qua khó khăn, hoặc biết việc nào cần ngưng lại, không nên làm nữa. Xưa kia, Đức Phật đã thành công hoàn toàn trên bước đường giáo hóa độ sanh, vì Ngài dùng trí tuệ quán sát xã hội đương thời, biết rõ nên làm gì, nên nói gì và nên tiếp xúc với ai. Các vị Thiền sư tiếp nối con đường của Phật cũng làm như thế.
Riêng Phật giáo Việt Nam được truyền sang từ Ấn Độ. Tuy nhiên, tư tưởng và văn hóa của người Việt Nam cũng như hoàn cảnh đất nước Việt Nam hoàn toàn khác với Ấn Độ. Nhận chân rõ tầm quan trọng của sự khác biệt này, chư vị Tổ sư Việt Nam đã áp dụng pháp tu khác với Ấn Độ, gọi là Phật giáo phát triển hay Phật giáo Đại thừa, Phật giáo vì đại chúng. Vì thế, chỉ Phật giáo Việt Nam mới hình thành tinh thần: Đạo pháp và dân tộc. Phật giáo Ấn Độ hoàn toàn không có tinh thần này, chỉ hướng đến giải thoát. Trong khi Phật giáo đến Việt Nam chỉ nhằm phục vụ dân tộc Việt Nam, nên đạo Phật đã hòa quyện vào nếp sống của người dân Việt. Có thể khẳng định rằng đó chính là điểm đặc sắc của Phật giáo Việt Nam thể hiện sự khác biệt với bất cứ hình thái Phật giáo nào trên thế giới. Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam quyện lại thành một, như nước với sữa. Lịch sử đã chứng minh rằng ở thời kỳ đất nước chúng ta bị Trung Hoa đô hộ, người Việt bị áp bức, đau khổ. Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam như một vị cứu tinh giải thoát cho người dân khỏi sự áp bức và xóa tan khổ đau xiềng xích vì giặc ngoại xâm. Chính vì lý do ấy mà người Việt Nam đã coi Phật giáo là tôn giáo thiêng liêng, đáng tôn thờ. Chư vị Tổ sư Việt Nam đã thành tựu việc làm theo hướng này. Nhưng đến giai đoạn mà chư Tăng thiếu đạo lực, nên bị xã hội văn minh chi phối, bị ảnh hưởng bởi sự tác động của quần chúng, khiến cho người tu phạm nhiều sai lầm. Thí dụ, vào cuối đời Trần, đến đời Lê, đời Nguyễn, đạo Nho được tạo điều kiện đi lên và người ta phân định rằng đàn ông thì phải đi đình, còn chùa thì chỉ dành cho phụ nữ. Lúc ấy, mọi người cho tư tưởng này đúng thì hậu quả tất yếu là chỉ có phụ nữ sinh hoạt với chùa, mà phụ nữ thì dễ tin, dễ trở thành mê tín và họ đưa sinh hoạt Phật giáo vào tình trạng mê tín. Vì thế, trong một thời gian dài, Phật giáo chỉ còn làm công việc lễ bái, van xin, cầu nguyện. Những việc làm như thế chỉ thích hợp với nữ giới thời ấy.
Ở Nhật Bản, khi đạo Thiên Chúa truyền sang, tác động quần chúng theo tư tưởng rằng Thần đạo lo cho trẻ sơ sinh. Lớn lên, đi học, đi làm và kết hôn thì cả cuộc đời sống theo Thiên Chúa và Phật giáo chỉ dành cho người sắp chết hay đã chết. Nhưng nhờ các nhà Sư Nhật đắc đạo thấy rõ sự phân chia như vậy không hợp lý, đưa đạo Phật vào tình trạng suy vong. Các ngài mới phản biện lại rằng theo Phật giáo tin ba đời nhân quả. Đời nay chúng ta sanh làm người, xuất gia, học đạo là nhờ đã trồng căn lành ở Phật quá khứ. Có trồng hạt giống trí tuệ Phật, mới hiện hảo tướng, đầy đủ sáu căn và hiểu biết Phật pháp. Như vậy, lúc mới sanh ra, chúng ta đã là Phật tử; lớn lên, chúng ta có đóng góp những việc lợi ích cho xã hội và khi mãn duyên thì về với Phật. Như vậy, suốt cuộc đời từ khi sanh ra cho đến chết, cuộc sống của chúng ta gắn liền với đạo Phật. Và tư tưởng đúng đắn này đã là kim chỉ nam hướng dẫn những người có niềm tin với Phật giáo gắn bó mật thiết cuộc sống của họ với chánh pháp, đưa sinh hoạt của Phật giáo Nhật Bản trở lại hướng phát triển tốt đẹp.
Bước theo dấu chân Phật, có trí tuệ thấy được việc cần làm để giúp xã hội và Phật giáo phát triển. Phật giáo Việt Nam hôm nay đang ở thời kỳ hưng thạnh. Quán sát thành quả này, gợi chúng ta suy nghĩ đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở một trăm năm trước, khi có các bậc cao Tăng xuất hiện. Thời ấy, phía Bắc có Tổ Vĩnh Nghiêm đã sử dụng tiền của để in ấn kinh sách, tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni, Phật tử học hiểu, nghiên cứu giáo lý. Ở miền Nam thì có Tổ Khánh Hòa lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài khẳng định rằng có chùa mà Tăng Ni thiếu học thì không bằng không có chùa mà Tăng Ni học hành đầy đủ. Ý thức như vậy, ngài đã bán chùa để có tiền thỉnh bộ đại tạng kinh và mời các vị đại Pháp sư giảng dạy cho Tăng Ni. Từ đó, trường Lưỡng Xuyên Phật học phía Nam đã đào tạo được lớp Tăng Ni đầu tiên có trình độ Phật học, dù không có chùa. Kế đến là các hội Phật học và Giáo hội Tăng già ra đời, lực lượng Tăng Ni thực tu, thực học, có đạo lực đã thu hút được quần chúng, làm cho giới trí thức tin tưởng và chính quyền kính nể. Từ đó, chùa được hình thành. Có thể thấy rõ chùa mà Hòa thượng Tuyên Linh bán để mua đại tạng kinh, tuy chùa này lớn, nhưng chùa mới được xây dựng còn lớn hơn gấp hai, ba lần chùa cũ. Và lần lượt các ngôi chùa ở miền Nam được xây dựng.
Tôi nhắc nhở các Tăng Ni trẻ cần suy nghĩ, phát huy trí tuệ, có được tầm nhìn đúng đắn. Đừng mắc mưu kẻ xấu tuyên truyền, gây chia rẽ làm cho đạo Phật chúng ta bị suy yếu. Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng phải hiểu ý nghĩa sâu sắc của kinh và đúng như pháp tu hành. Lời di huấn này của Đức Phật có một giá trị tuyệt đối, không bao giờ sai lầm. Hiểu đúng nghĩa lý kinh và như pháp tu hành là thế nào. Có người nghĩ hiểu nghĩa kinh là giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của kinh. Làm như vậy cũng rơi vô trích cú tầm chương. Nhưng nếu bỏ kinh để hiểu Phật pháp thì chúng ta cũng lạc vào đường tà.
Yếu chỉ của kinh là Phật dạy chúng ta hai cánh cửa để vào đạo. Cánh cửa thứ nhất là cửa phương tiện, có thể hiểu là tùy phương, tùy tiện, tức tùy chỗ, tùy lúc. Trên bước đường tu, muốn giải thoát phải ứng dụng pháp phương tiện, tùy chỗ, tùy lúc mà tu cho thích hợp. Nếu biết và làm được như vậy thì giải thoát ngay trong cuộc sống. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nhờ áp dụng được phương tiện trong việc tu hành, nên gặt hái được nhiều kết quả. Tôi không chấp pháp cố định. Sang Nhật, có chùa thuộc nhiều tông, nhiều phái khác nhau; nhưng tôi vào bất cứ chùa nào cũng thấy đó là nơi thể nghiệm pháp Phật và mọi người đều là đệ tử Phật. Vì thế, điều đầu tiên tôi quan tâm là làm thế nào cho Phật pháp được hưng thạnh, làm cho Phật tử được tăng tiến đạo Bồ đề, làm cho chúng sanh được an vui, lợi ích.
Đến đạo tràng tu pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sanh Cực Lạc, thì tôi tùy hỷ với họ để tạo cho mọi người được an vui, nghĩa là xây dựng được Cực Lạc ngay tại Ta bà. Đến đạo tràng khác thấy họ tu Thiền để tâm hồn được yên tĩnh, trong sáng. Tôi cũng tìm hiểu phương cách hành Thiền của họ ứng dụng trong cuộc sống như thế nào, đem đến lợi ích cho cuộc đời ra sao để tôi giảng dạy cho người tu. Đức Phật xưa kia cũng thế, Ngài đến với ngoại đạo cũng tùy theo quan niệm của họ mà hướng dẫn cho họ được lợi ích. Ngày nay, chúng ta cũng sử dụng phương tiện như thế. Người tu Tịnh độ mê tín, người tu Thiền sai lầm, người trì chú mất bản tâm; tất cả họ cũng tu đạo Phật, nhưng đi sai hướng, gặt hái kết quả không tốt. Vì thế, chúng ta cần hướng dẫn cho họ hành Thiền, niệm Phật hay trì chú đúng. Không thể bài bác, chê trách các pháp môn khác, làm cho người buồn phiền, đau khổ. Đó là ý mà tôi muốn nhắc quý vị.
Hành đạo tùy phương, nghĩa là tùy chỗ. Có thể trong cùng một nước, nhưng văn hóa, phong tục, tập quán ở miền Nam và miền Bắc khác nhau ít nhiều. Chúng ta muốn cả hai miền áp dụng pháp giống y nhau, chắc chắn không được. Các vị vào miền Nam tu phải tùy theo cách tu hành ở phía Nam mà sống cho thích nghi, mới được an vui và hòa hợp. Ngược lại, chúng tôi ra miền Bắc cũng phải tùy thuận với phương cách tu hành của quý vị để mọi việc Phật sự của chúng ta đều tốt đẹp. Và khi ra nước ngoài, cũng phải vậy. Tôi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay một số nước Tây phương, cũng phải tùy theo phong tục nơi đó để không gây chướng ngại cho họ và bản thân mình cũng được giải thoát.
Sử dụng phương tiện tùy tiện là tùy từng thời kỳ có những việc làm thích hợp. Thời Phật tại thế khác với thời của các vị Tổ sư lập giáo khai tông và thời của Tổ sư cũng khác với thời đại của chúng ta ngày nay. Vì vậy, điểm then chốt là tu thế nào để phát triển trí tuệ của chúng ta và làm cho người được an vui, tiến bộ, văn minh. Ở mỗi thời kỳ, lịch sử văn minh tiến hóa của con người đều thay đổi. Chúng ta cũng phải thích nghi với sự phát triển ấy. Thí dụ Phật giáo miền Bắc xưa kia có những Thiền Tăng nổi tiếng như Tuệ Tĩnh hay Không Lộ. Các ngài sử dụng nghề thuốc, nghề mộc hay nghề đúc đồng như phương tiện để truyền bá Phật pháp. Nhưng nếu ngày nay, chúng ta cũng rập y khuôn thì sẽ trở thành lạc hậu. Thể hiện tinh thần sử dụng những phương tiện thích hợp với thời đại văn minh, tôi biên soạn nghi thức tụng niệm, lễ bái ngắn gọn, dễ hiểu, mất ít thì giờ để phù hợp với quan niệm sống ngày nay coi thì giờ là tiền bạc.
Mong quý vị nghiên cứu Phật học, rút được những tinh ba và ứng dụng trong cuộc sống hiện đại, tránh mất thì giờ mà không mang đến lợi ích. Theo tôi, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích. Chúng ta sám hối, lạy Phật, trì kinh, tham Thiền để được lợi ích thực tiễn gì. Đừng chấp pháp để trở thành bệnh hoạn, yếu đuối, trí tuệ không phát sanh. Kinh nghiệm tu hành của riêng tôi suốt năm mươi năm thấy được những việc đúng, việc sai muốn nhắc nhở Tăng Ni tu hành phải nhắm đến ba điều cần đạt được là có trí tuệ để thấy đúng, làm đúng, có sức khỏe tốt để làm đạo lâu dài và quét sạch phiền não trần lao để thân tâm được an vui. Làm được như vậy, không uổng công xuất gia học đạo và cũng làm được lợi ích cho người vì họ thấy chúng ta tu hành có thành quả tốt đẹp cũng phát tâm tu theo. Cầu nguyện quý vị được tâm Bồ đề luôn sáng suốt, sức khỏe dồi dào và thân tâm an nhiên, tự tại, để phục vụ đạo pháp ngày càng hưng thạnh.
(Bài giảng tại các trường hạ Hà Nội, ngày 7-8-2004)