Sách
Trong mùa hạ, Tăng Ni cần rèn luyện oai nghi sao cho giống Thầy, giống Tổ, giống Phật. Oai nghi gần nhất có bốn là đi, đứng, nằm, ngồi. Dáng đi của Phật nhẹ nhàng như mây bay, thấy không đi, nhưng chạy theo không kịp. Vị Tăng tiêu biểu cho giải thoát tướng, nên phải đi nhẹ nhàng, thanh thoát, người nhìn thấy là phát tâm. Hòa thượng Trí Thủ nhắc tôi rằng vị Tỳ kheo có dáng đi ở xa trông thấy đẹp và đáng kính trọng, đến gần lại thấy đẹp hơn. Đừng để giống người đời, xa thấy đẹp mà đến gần khó bằng lòng nhau.
Tỳ kheo có dáng đứng thẳng như tùng, bách, bốn mùa xanh tươi và không mọc chỉa vào nhau. Chúng Tỳ kheo dù có đông đến ngàn người sống chung với nhau, đừng để đụng chạm về hình thức và tư tưởng. Chúng Tỳ kheo sống chung trong một trụ xứ, phải kính trọng nhau hơn, vì cùng giúp đỡ nhau trên bước đường đi lên. Phật thường dạy Tỳ kheo phải hòa hợp với nhau như nước với sữa. Không phải gần nhau rồi đụng chạm như người ta thường nói "Chén trong sóng còn khua”.
Trụ vững như núi Tu Di là dáng ngồi của Tỳ kheo. Hình thức bên ngoài vững và bên trong tâm cũng không dao động vì hoàn cảnh. Hoàn cảnh thế nào, tấm lòng và cuộc sống của người tu cũng không chạy theo vinh hư của thế gian. Tỳ kheo có dáng nằm như sư tử. Dù nằm yên ngủ, sư tử luôn chủ động, muông thú không dám quấy rầy, tấn công. Vị Tỳ kheo cũng vậy, dù ngủ, nhưng lúc nào cũng tỉnh thức, sáng suốt, sẵn sàng hóa giải mọi việc chống đối, phiền não. Tuy sống thanh thản, vô tư, vô niệm, nhưng người phải kính nể. Tổ Quy Sơn cũng dạy người xuất gia tâm hình dị tục, phát túc siêu phương, tức phải có ý chí xung thiên, làm được việc phi thường, vượt trên khuôn mẫu tốt của thế gian để thể hiện biểu tượng cao quý của Phật, Hiền Thánh. Đó là mục tiêu mà chúng ta hướng tới.
Qua cử chỉ, oai nghi, việc làm của chúng ta, người thấy được những gì cao quý của Phật, của đạo pháp và khiến họ phải phát tâm theo Phật đạo. Có như vậy, chúng ta mới đền trả được bốn ơn và cứu độ ba loài. Từ cuộc sống thực tế này, chúng ta đi xa hơn, trong mùa tu, suy nghĩ xem ta từ đâu đến thế giới này và từ giã cuộc đời, ta về đâu.
Tôi nhớ mùa hạ đầu tiên ở chùa Ấn Quang, năm 1957, Hòa thượng Thiện Hòa cho tôi hai chữ sanh tử làm thoại đầu. Từ đâu sanh lại và chết về đâu, ở khoảng giữa sống và chết, ta làm gì. Đó là đề tài lớn nhất mà tôi luôn nghĩ đến trong suốt cuộc đời tu hành. Chưa thấy được chết về đâu, thì còn lo lắm. Chưa biết rõ chỗ tới, nên khoảng giữa phải cố gắng và định hình cuộc sống chúng ta. Nhờ có định hướng như vậy tô bồi cho đời sống tu hành mới tiến bộ được. Thiết nghĩ các anh em Tăng Ni nên quán sát đề tài ấy.
Từ quán sanh tử theo Hòa thượng dạy, khi tôi tụng sám Quy mạng lúc đêm khuya thanh vắng, cảm thấy thấm thía lạ thường: Đệ tử chúng đẳng tự di chơn tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm… Nghĩa là chúng ta từ chơn tánh hiện lại trên cuộc đời và đi vào sanh tử rồi thì cứ theo nó mà bềnh bồng, ba chìm bảy nổi. Nói cách khác, lỡ dại sanh trên thế giới này, mà kinh Pháp Hoa diễn tả là gã cùng tử bỏ cha trốn đi, phải lang thang trôi nổi, khổ sở biết bao.
Trên chơn tánh hay tổng thể thì không có sanh tử, nhưng vào cuộc đời, tạo nên hai cực đối kháng là âm dương, nam nữ, thiện ác, phải trái, tốt xấu, sanh tử, v.v…, mà tội từ đó sanh ra. Không có phân biệt hai cực đối lập này thì không có tội tình gì hết. Tạo ra lưỡng cực và cứ từ phân cực đó đối chọi nhau, tranh chấp nhau. Trong chùa, Thầy trò nương nhau đi lên, nhưng giận nhau, đau khổ cũng không ít. Cha con cũng vậy. Chúng ta sống trong sanh tử này, lặp lại bao nhiêu lần là do rời bỏ chơn tánh, tạo hai thái cực và chịu hết khổ này chồng chất lên khổ khác. Và tôi tụng sám Ngã niệm, tức nhớ lại ta, suy nghĩ về con người mình, mới thấy con người thực của mình tốt hay xấu để tự sửa mình, nỗ lực phấn đấu theo con đường Hiền Thánh, tự thăng hoa. Còn chỉ suy nghĩ về người khác, việc khác, nên cái khác đó đối kháng ta, rất nguy hiểm. Suy nghĩ người và việc của người, ta được gì.
"Ngã niệm tự tùng vô lượng kiếp. Thất viên minh tánh tác trần lao”. Suy nghĩ về mình đời này và nhiều đời trước, coi ta là gì, đi lên hay thụt lùi. Từ chơn tánh vào sanh tử là mất viên minh tánh hay từ bỏ tánh sáng suốt, tự nhận trần lao làm sinh mệnh mình, làm lẽ sống của mình, thì chắc chắn phải khổ đau. Kinh Pháp Hoa dạy trong ba cõi không có sanh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, nên tạo thành sanh tử. Từ đó, ta tự hành hạ ta, hay thân sắc hành hạ tâm và ngược lại, tâm hành hạ sắc. Tâm và sắc luân phiên làm khổ nhau từ vô lượng kiếp.
Từ bỏ tánh sáng suốt, nhận trần lao làm sinh mệnh là gì. Nếu sống với tánh sáng suốt, thấy sự vật đúng như thật, nên phiền não trần lao không phát sanh hay không tác động họ. Phiền não phát sanh, phải biết là ta đã rời chơn tánh rồi. Nếu là Sa môn, an trú với viên minh tánh thì đối trước cái đáng giận, buồn, khổ, họ không giận, không buồn, không khổ. Còn bọn trần lao mất viên minh tánh, khổ cái không đáng khổ, buồn cái không đáng buồn.
Sống với chơn tánh, sáng suốt nên khen chê không tác động được vì ta biết tại sao họ khen chê. Chê vì ta dở hay vì họ ganh tức, ta đều biết rõ. Dở thực thì phải phấn đấu lên. Còn họ ganh tức thì ta phớt lờ. Bản thân tôi từ thuở nhỏ tu, không có hoàn cảnh tốt, bị người chà đạp, nhưng biết nghiệp của mình, nên nỗ lực tu, vươn lên. Còn không biết thì cứ khổ tâm, than thở tại sao lại chà đạp mình.
Biết được mình là sống với viên minh tánh của mình và thấy xa hơn: "Xuất sanh nhập tử thọ luân hồi”. Ta từ đâu sanh lại và chết rồi, lại tái sanh, lại chết. Cứ như vậy vào ra sanh tử từ vô lượng kiếp, biết bao lần, nhưng chúng ta có nhớ không. Phật và Bồ tát cũng vậy, nhưng các Ngài một lần vào sanh tử là một lần có kinh nghiệm, biết rõ sanh tử nhiều hơn. Trong khi ta cũng vào sanh tử, cũng chịu đựng khổ sở, nhưng không biết được gì, học được gì và làm được gì, thậm chí còn làm ta khổ đau thêm, ngu muội thêm.
Phật nói con người thực vô lý, không đáng khổ, nhưng tự tạo cho mình khổ, chúng sanh muốn an lạc, nhưng luôn tạo nhân bất an. Phật và Bồ tát khác chúng sanh ở chỗ lúc nào và ở đâu cũng tạo nhân an lành, nên các Ngài luôn có cuộc sống giải thoát. Vào sanh tử và ở trong sanh tử, Đức Phật đưa ra hai mô hình để thực hiện là cách tu của Nhị thừa và của Bồ tát. Hay nói cách khác, tất cả pháp Phật dạy chỉ nhằm cho hai chúng là Tiểu thừa và Đại thừa. Chúng ta tu không thuộc hai hệ này, coi như rớt qua ngoại đạo, tà giáo.
Trên bước đường tu, quan sát kỹ xem mình thuộc hệ Tiểu thừa hay Đại thừa để đừng tạo nhân khổ đời sau và quả khổ đời này trả cho xong thì sẽ lên Niết bàn. Thực tế, chúng ta thấy nhiều người tu, nhân khổ cứ tạo thêm, thậm chí quả trả ít, nhưng nhân mới tạo lại nhiều hơn, nên khổ đời sau lớn hơn. Nợ đời trước chưa hết, lại vay thêm nợ, là nợ chồng chất nợ, tu hành mà gánh nợ trong sanh tử đáng sợ lắm. Tôi luôn quan sát vấn đề này, khi thấy người có thái độ không thân thiện, thù nghịch, thì biết ngay là món nợ trong sanh tử còn phải giải quyết. Nợ tinh thần này rất quan trọng. Chúng ta quán sát cuộc sống thực tế, sẽ thấy được rằng nếu thực ta vay nhiều hơn trả, thì cuộc đời ta xuống lần, nghèo thêm, bệnh hoạn, phiền não nhiều hơn, đến mức cung không đáp ứng cầu, thì ôm hận đi đầu thai kiếp sau. Trả nhiều hơn vay, nên chúng ta tu, phát huy được phước đức, trí tuệ. Tôi đọc sám Ngã niệm mỗi ngày một lần rất thấm thía, theo đó tự sửa đổi, thấy rõ ta được xuất gia học đạo, mặc áo tu, đứng vào hàng Tăng giới là hạnh phúc lắm rồi. Vì từ sanh tử phiêu trầm, tiến lên vào hàng Tăng không dễ. Đừng đi ngược lại, hủy giới, phá trai, là rớt liền lập tức. Tôi thấy những người đồng tu rất đông, nhưng người thành đạt không được là bao. Phải phấn đấu hết sức mình để ở mãi trong Tăng đoàn, giữ được vị trí chúng trung tôn.
Ngoài ra, ta được đại chúng thương kính, cử làm Tri sự, nhất là Tri sự trường hạ, tiền của Tam Bảo, ta giữ và dùng cách nào, phải cẩn thận. Tiền của công, đem xài riêng, tội là đáng. Nhưng ta không xài bậy, mà đưa cho người khác làm bậy, ta cũng tội, đó là tội thiếu trách nhiệm. Trên bước đường tu, công đức lớn thì tội cũng kèm theo sát xương sống. Sai lầm là bị quả báo liền, nên hết lên rồi lại xuống. Tôi thấy những người phạm sai lầm này, ngàn năm hối hận, tuy còn ở trong Tăng đoàn, nhưng người ta coi như thây ma trong biển Phật pháp, không dùng vô đâu được: "Giả điền uế bổn, tương hà dụng. Đại hải phù thi bất cửu đình”.
Mình phải có tài, có năng lực làm được việc gì đó để đại chúng nương nhờ, Giáo hội sử dụng được. Thực tế có người làm việc không hết, có chùa nhiều không quản lý nổi, nhưng có người thì không chùa để ở, không ai dám giao cho việc gì. Đừng đặt ta vô chỗ Giáo hội hay xã hội hoặc đại chúng trong chùa không sử dụng ta được, vì không có một điểm tốt tối thiểu nào: "Ký vô nhứt thiện dĩ tư thân”. Rồi ta trôi nổi bềnh bồng trên cuộc đời, làm sao tiến tu được. Xét cho cùng, suốt cuộc đời tu vài chục năm, không được ai cảm tình, không được việc gì cho đạo, lợi ích cho đời, chắc chắn địa ngục ngay tại đây đã mở ra cho ta vào.
Cầu mong Tăng Ni trong mùa An cư, an trú trong giáo pháp, sớm nhận ra viên minh tánh của chính mình và sống với tánh sáng suốt ấy, tiến tu trên bước đường tự hành hóa tha, mang an vui, lợi ích cho mình và người.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Huỳnh Kim, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh, ngày 5- 6- 1999)