Sách
Mùa hạ là mùa vạn vật sanh sôi nẩy nở và tâm lý con người cũng biến chuyển theo, tuy nhiên, sự biến chuyển này trôi chảy theo dòng sanh tử luân hồi; trong khi chúng ta tu hành đi theo hướng ngược lại, tức thoát ly sanh tử để về Niết bàn tịch tịnh. Nếu nhận lầm sanh tử là Niết bàn, chúng ta ở mãi trong sanh tử và không bao giờ thâm nhập Phật huệ. Việc quan trọng của người tu là thâm nhập Phật huệ hay phát huy tuệ giác để thấy hướng Niết bàn mà đi tới; vì ở trong sanh tử, nên hiểu sanh tử dễ dàng, còn chúng ta đi ngược lại sanh tử, chắc chắn khó hình dung được Niết bàn. Thật vậy, dòng sanh tử chảy xuôi từ thác đổ xuống dòng sông mê và biển khổ. Một kiếp sống của con người chỉ có mê và khổ. Mê hay vô minh là sai lầm và sai lầm nào cũng dẫn đến đau khổ. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng rằng thật con người không có khổ, nhưng vì vô minh, vọng kiến, lạc vào đường tà, dẫn đến đau khổ. Đau khổ này do nghiệp hay ảo giác, thật không có trên chân lý hay bản giác, nhưng có trên sanh tử. Nếu trở về được chân tánh thường nhiên của mình sẽ không khổ.
Các loài hữu tình có thân tứ đại ngũ uẩn, tất yếu phải khổ với thân vật chất ấy. Phật chỉ cho thấy khổ của thân là do tứ đại không điều hòa. Thân chúng ta ví như tiểu vũ trụ, nếu nó hài hòa được với vũ trụ bao la bên ngoài, thì không có vấn đề gì. Nói cách khác, chúng ta đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho thân thì không bệnh. Vì không biết, chúng ta cung cấp cho thân những thứ không cần thiết, những gì cần thì lại không dùng, nên thành bệnh. Rõ ràng thân vật chất của chúng ta bị vật chất bên ngoài chi phối.
Các vị Thiền sư ăn uống đơn sơ, nhưng rất khỏe, vì các ngài biết điều chỉnh cơ thể thích nghi được với bốn mùa, tám tiết, sử dụng được lượng thực phẩm vừa đủ và tốt cho cơ thể. Có trí tuệ, chúng ta tự kiểm soát thân tứ đại của mình để hài hòa được với thiên nhiên, chống được bệnh tật. Khi đã thỏa hiệp được với thân tứ đại, có được thân khỏe mạnh để nó không hành hạ tâm chúng ta khổ; từ tâm lý bình ổn ấy, chúng ta mới đi xa thêm.
Bước thứ nhất như vậy, chúng ta đã giải quyết được một việc là sắc uẩn trong ngũ uẩn mà Phật dạy rằng nó là gánh nặng của con người. Cơ thể điều hòa, bệnh không sanh, sức khỏe tốt, chúng ta mới giải quyết tiếp bốn việc còn lại là thọ, tưởng, hành, thức.
Thọ là cảm thọ hay cảm xúc của chúng ta do sự tiếp xúc giữa căn và trần, đó là vấn đề mấu chốt của con người trong sanh tử. Trong sinh hoạt của sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, thì cái thấy và nghe rất quan trọng, hai anh này tác động cho chúng ta sanh ra nghiệp. Thật vậy, thấy cái gai mắt, nghe điều chướng tai, nghiệp khởi từ đây và khổ cũng bắt đầu. Âm thanh, sắc tướng bên ngoài là việc bình thường, chúng ta để tâm chi cho khổ. Người tu không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần (bất dữ chư trần tác đối) để nghiệp không sanh khởi. Ví như năm anh em Kiều Trần Như ở núi rừng, không tiếp xúc với ai, không quan tâm đến việc gì, nên tâm rất thanh thản.
Phật khuyên chúng ta xả thọ, nghĩa là bỏ, không quan tâm đến việc xảy ra, ví như người gỗ ngắm chim vẽ thì làm gì có vấn đề. Một Thầy tu và một người trần tục cùng đi ngang một đám cãi nhau. Họ cùng tiếp xúc một việc, tuy nhiên đối với Thầy tu đóng kín sáu căn, tuy nghe tiếng ồn ào, nhưng khi đi khỏi cảnh chợ đời ấy thì họ không còn thấy biết gì nữa. Trong khi người trần tục đi ngang cảnh ấy và ở cuối đường hầm sanh tử, họ sẽ kể cho chúng ta nghe những gì tồn đọng trong cuộc sống của họ. Điều này cho thấy tiềm thức của người tu trống trơn là Bạch tịnh thức, không chứa đựng gì cả; người trần tục thì chất chứa đủ thứ vui buồn vinh nhục trong A lại da thức. Vì Thầy tu xả thọ, người đời giữ được khổ thọ và lạc thọ.
Trên cuộc đời, chúng ta tiếp nhận sự vật tương đối, cái chúng ta ưa thích là lạc thọ, không thích thì nhận khổ thọ. Từ khi sanh ra đến nay, thử nghĩ ai mà không hơn một lần phải làm cái điều mình không hề thích và giữ mãi nó trong lòng để làm nhân cho kiếp lai sanh. Người đời hết khổ đến vui, hết vui lại khổ, chỉ có hai thứ khổ vui. Ý thức sâu sắc điều ấy, chúng ta phớt lờ mọi việc, thì vui không cảm nhận nên khổ cũng bình thường đối với ta. Tâm thanh thảnh, vắng lặng là con đường dẫn đến Phật đạo.
Bước đầu phá được sắc uẩn, nay phá bỏ thêm phần thọ uẩn, chúng ta đã phá được hai bức màn vô minh của con người, giúp chúng ta thanh thản, an lạc. Còn giữ đủ năm gánh nặng của ngũ uẩn thì mệt nhọc vô cùng. Sống với xả thọ, mọi việc trên cuộc đời không đặt vấn đề với chúng ta nữa, hay có đặt vấn đề mà lòng ta không vương mang thì nó cũng tự mất theo thời gian, hết tác dụng. Thiển nghĩ mọi việc trên thế gian này vốn tự sanh diệt, chúng ta cần chi diệt nó để lãnh thọ quả báo. Thí dụ người nói xấu, chúng ta tìm cách đính chính là chúng ta diệt cái xấu thì thọ quả báo, vì chúng ta nói lại cái đúng, họ sẽ không để chúng ta yên. Họ sẽ tìm cách nói khác nữa; như vậy trong sanh tử luân hồi, cái này tăng trưởng không cùng. Chúng ta chỉ cần yên lặng, giữ xả tâm thì mọi việc tự sanh tự diệt.
Trên bước đường tu, không phải không có người chống phá, nhưng tôi không để tâm, chỉ lo việc mình, từng bước đi lên. Bạn tôi nặng tình với phải trái cuộc đời, nên đứng đó mà giải thích và khổ nhất là giải thích cho người không muốn nghe. Chúng ta trụ ở tâm xả thì việc tốt hay xấu, tự nó tốt xấu. Chúng ta giải thích hay để yên, nó cũng không thêm bớt gì; nhưng chúng ta không quan tâm thì người khác sẽ nghĩ ta hiền, tu thực. Còn cãi lại, đính chính bằng mọi cách thì thiên hạ sẽ theo dõi để phân biệt cái nào thua, việc sẽ không bao giờ kết thúc và họ cũng không muốn kết thúc, sợ buồn vì không còn chuyện gay cấn! Có người nói rằng ở Niết bàn buồn lắm, không có chuyện gây nhau để coi cho vui. Thực tu, trụ ở Niết bàn có được niềm vui tuyệt đối, cái vui của người sạch nghiệp, có tự thọ dụng thân. Thiền sư sống đơn sơ vẫn giữ được nụ cười thanh thản, vì vui với tự thọ dụng thân, vui tịch tĩnh trong nội tâm, quán sát thật tướng các pháp. Người đời chỉ vui với hoàn cảnh bên ngoài, phải thấy hai còn gà đá đổ máu, thấy người đánh nhau, họ mới vui.
Xả thọ để đi vào nội tâm, không quan tâm mọi vật diễn tiến trên cuộc đời. Đức Phật dạy mạng người tuy ngắn ngủi, nhưng nó quan trọng vì mất thân người thì không tu được. Thân vật chất hành hạ chúng ta là nghiệp, nhưng mất thân người, không tạo được công đức và không phát sanh trí tuệ. Người tu coi một ngày, một phút trôi qua là mất mát lớn và cái chết gần kề, cuối đời còn làm được gì. Ý thức điều này sớm, trong suốt năm mươi năm, tôi nỗ lực tinh tấn, thuở nhỏ học không biết mệt, lớn lên, đem hết sức mình làm Phật sự, vì sợ cơ hội không còn. Cơ hội để chúng ta nghe pháp, tu tạo công đức không nhiều lắm. Thử nghiệm lại xem thời gian chúng ta gặp Phật pháp, gặp thiện tri thức, chúng ta học được bao nhiêu. Tôi may mắn gặp nhiều thiện tri thức, học được nhiều và có được đạo tràng nhiều người nghe pháp để tôi nói lên sở học, sở tu của mình. Tự nghĩ ở hai đầu của một đời người là lúc chúng ta còn nhỏ và lúc già thì khoảng này không làm được gì, còn khoảng giữa chúng ta làm được mà để trôi qua thì thực uổng phí. Tôi cảm giác những khôn dại là chướng ngại cho chúng ta trên con đường trở về bến giác. Gặp người gây sự, chúng ta vội nói lời xin lỗi để họ bỏ qua cho chúng ta đi. Tôi luôn tâm niệm đường còn xa, việc còn nhiều, không phí thì giờ để nói nhảm.
Đường xa là từ phát tâm đến thành Phật, vì xa nên ít người đến được mục tiêu, phải ráng lo đi, ở đây hơn thua phải trái làm chi. Việc còn nhiều là việc thành Phật không đơn giản. Thành Phật hay tu học thế nào để đạt Nhứt thiết chủng trí, thấy chính xác việc xảy ra từ hữu tình đến vô tình, hữu hình đến vô hình. Thấy lờ mờ, chúng ta dễ phạm sai lầm, đọa ba đường ác. Thật vậy, một lần sai lầm, mất thân người, biết bao giờ được gặp thiện tri thức để tu. Chúng ta còn nhớ câu chuyện ông trưởng giả vì bất đắc kỳ tử, chưa kịp chỉ chỗ chôn hũ vàng, nên lòng tiếc của dẫn ông đi đầu thai làm con chó lông vàng ở chính ngôi nhà của ông. Con chó cứ nằm canh giữ hũ vàng, không cho ai đến gần, không rời nửa bước. Khi Đức Phật đến khất thực, Ngài đã biết được nghiệp báo của nó, nhắc nó nhớ lại tiền kiếp và thọ ký cho nó. Con chó nghe vậy, sợ hãi, ăn năn, nó bỏ ăn và chết, rồi tái sanh làm người phát tâm tu hành. Đức Phật bảo người con đào lên thì quả thực có hũ vàng chôn ở nơi con chó thường nằm. Từ lòng tham hay chỉ một sai lầm nhỏ mà đọa súc sanh, mang thân thú thì chẳng thể làm được gì và tệ hơn nữa, rớt xuống địa ngục, biết bao giờ gặp được Phật khai ngộ. Khi trí tuệ chưa sanh, chưa đạt được Nhứt thiết chủng trí, chúng ta phạm biết bao sai lầm và nó chính là mầm mống của những ngày đau khổ kế tiếp của chúng ta. Trên bước đường tu, phải thấy sai lầm để chúng ta tự xóa và phát huy việc tốt.
Tóm lại, nếu xóa được sắc uẩn và thọ uẩn là đã vượt được hai trăm do tuần đường hiểm, tiến bước thêm một trăm do tuần đường hiểm nữa, thì đắc quả vị A la hán, đến được Hóa thành của Đức Phật tạo dựng cho chúng ta ra khỏi Nhà lửa tam giới. Từ đây tiến bước con đường hành Bồ tát đạo để hướng đến quả vị Toàn giác.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Xá Lợi, quận 3, TP.Hồ Chí Minh, ngày 18-6-2000)