Sách
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 29, tại chùa Phổ Quang, ngày 15-6-2008)
Vững trước khen chê, nói cách khác là không bị hoàn cảnh chi phối. Đa số chúng ta sống trên cuộc đời này luôn bị xã hội và thiên nhiên chi phối; vì thế, nghiệp và phiền não phát sinh làm chúng ta rơi vào trầm luân sinh tử, phải chịu hết khổ đau này đến khổ đau khác.
Đức Phật ở Niết bàn, ở thế giới thanh tịnh của Ngài, thấy chúng ta thật đáng thương, lẽ ra chúng ta không có khổ đau, nhưng tự mình tạo khổ đau, tự ràng buộc mình. Đức Phật nói khổ đau này giống như người khổ trong giấc mơ, trong khi trên chân tánh, con người thực không khổ và từ chân tánh đó, vô minh nghiệp chướng khởi lên, chúng ta mới hiện hữu trên cuộc đời này và thấy khổ.
Thật vậy, trong giấc mơ, chúng ta thấy cả cuộc đời mình khổ quá, nhưng khi tỉnh dậy thì cuộc đời trong giấc mơ dài chỉ khoảng năm, ba phút so với cuộc sống hiện thực trên cuộc đời này. Như vậy, từ niệm tâm trên chân tánh xuất hiện trên cuộc đời khổ đau cho chúng ta nhận ra hai thế giới, thế giới chân thật và thế giới khổ đau.
Người ở trên cõi Trời của đạo Nho, đạo Lão, đồng với cõi Trời Tứ Thiên theo Phật giáo, nếu họ từ cõi đó hiện xuống nhân gian này thì một ngày ở thiên đường bằng một kiếp của con người ở trần gian. Câu chuyện con trâu của Lão Tử thừa lúc đồng tử ngủ quên, nó trốn xuống trần gian chơi có vài tiếng đồng hồ tính theo thời gian của thiên giới mà ở trần gian này đã trải qua cả chục năm. Thế giới thiên đường rất gần với chúng ta mà chỉ trong chớp mắt ở thế gian của chúng ta là cả chục năm. Nếu là Niết bàn, hay thế giới chư Phật so với thời gian ở thế giới của chúng ta, thì còn vô cùng đến đâu. Như vậy, diễn tiến từ kiếp này sang kiếp khác, chúng ta càng đi thật xa thế giới chân thật; ý này được diễn tả trong bài Sám Quy mạng rằng "Tự di chân tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm...”. Nghĩa là từ chân tánh bất sanh bất diệt, chúng ta nhào vô thế giới sanh diệt hết kiếp này sang kiếp nọ; nói cách khác, chúng ta trôi từ giấc mơ này sang giấc mơ khác và sự hiện hữu của chúng ta trên cuộc đời này cũng là một giấc mơ trong vô số giấc mơ trên dòng thác sanh tử.
Trong giấc mơ của chúng ta ở thế gian này thường hiện ra hai thứ cụ thể nhất là khen và chê. Thử nghĩ xem sống trên cuộc đời này, chúng ta có nghe gì khác ngoài hai tiếng đánh giá là khen chê, phải trái; nhưng khen chê này có thực hay không, có đáng để chúng ta quan tâm hay không.
Nếu bảo rằng điều khen chê của người khác không đáng quan tâm là sai; nhưng bảo chúng ta phải quan tâm đến sự khen chê của thiên hạ thì cũng không đúng. Thật vậy, đứng trên sanh diệt mà nói vô sanh là sai, còn đứng trên vô sanh mà nói sanh diệt cũng không đúng.
Hiện tại chúng ta sống trên sanh diệt và tu trên sanh diệt, chúng ta phải nhận thức được sanh diệt cho đúng; đó là "Vững trước khen chê”; không phải liều mạng mà cho rằng khen hay chê cũng được. Vì vậy, trước tiên, chúng ta ở thế giới sanh diệt, Đức Phật dạy chúng ta phải bình tĩnh quan sát sự vật đúng với bản chất như thật của nó, thấy rõ điều nào đáng khen ngợi, điều nào đáng chê trách, để chúng ta bình tĩnh giải quyết và thoát khỏi sự chi phối tác hại của tiếng khen hay lời chê. Điển hình như Tổ Huệ Đăng tu đắc đạo, Ngài có uy tín lớn, chắc chắn có nhiều người khen, nhưng không phải không có người chê. Ông Cai Tổng ở gần chùa Long Hòa kính trọng Tổ, một hôm ông đến thăm Ngài và hỏi đạo. Ông nói rằng "Tôi kính trọng Ngài vì Ngài hiểu biết chính xác và đưa ra những lời dạy ích lợi cho cuộc đời; nhưng tại sao lại có nhiều người chống đối Ngài”. Tổ mới hỏi ông Cai rằng ông thấy ai chống và nghe ai chống. Điều quan trọng thường được xét đến trong đạo khi có vấn đề xảy ra, đó là chúng ta thấy, nghe và nghi; nghe ai nói gì, thấy điều gì xảy ra và nghi như thế nào. Ông Cai thưa rằng : "Tôi nghe họ nói, nhưng tôi thấy không phải như họ nói”; nghĩa là thấy và nghe khác nhau. Nói cách khác, ông không nghi ngờ Tổ. Tổ mới dạy ông rằng nếu không nghi ngờ gì thì ông nên bỏ đi; đó là điều cần thiết để vững trước khen chê.
Nếu người ta chê đúng, mình phải sửa đổi. Điều này gần với chúng ta nên dễ biết. Riêng tôi, nghe khen chê, tôi thường xét việc này theo trí tuệ, nếu thấy điều khen ngợi mình là đúng, tôi phát triển việc này. Từ lời khen tặng, tôi nhận ra được có thêm một pháp lữ đồng hành, đồng sự với mình. Họ khen vì họ suy nghĩ giống mình, làm giống mình; đối với tôi, đó là Bồ đề quyến thuộc rất cần trên bước đường hành Bồ tát đạo, vì không có người chấp nhận ta và hợp tác thì một mình, ta không thể làm được gì.
Nhưng có những việc không đáng khen, vì tự xét lại thấy mình không đúng và họ cũng thấy không đúng, nhưng họ khen để lấy lòng mình, trường hợp này ta nên cẩn thận hơn. Nếu tin tưởng lời khen của họ là đúng, ta cứ như vậy mà đi tới, coi chừng bị vấp ngả, phiền não nhân đó phát sinh; như vậy là không vững trước khen chê.
Trên bước đường tu, khi được nhiều người khen, nhưng tôi thấy không phải như vậy, phải biết được họ khen mình vì lý do nào. Ngoài lời khen lấy lòng, có thể họ khen vì không hiểu mình, vì họ nhận thấy việc mình làm như vậy là tốt, là giỏi, thì mình cũng không nên tự mãn, nghe khen cũng không mừng. Phải xem lại ai khen, nếu ác ma khen thì nguy hiểm vô cùng, vì sao ? Ví dụ ta đang cãi nhau, ác ma chen vô khen rằng ta hay để kích động ta cãi nữa; vì ác ma không bao giờ muốn ta an lạc. Phật gọi đó là nói lưỡi đôi chiều, khen bên này, rồi khen bên kia, để hai bên thù nghịch nhau, xỉ vả nhau và giết hại nhau. Đi theo lời khen của ác ma như vậy, chúng ta bị trầm luân đọa lạc, không thể giải thoát.
Ngoài ra, họ khen, nhưng việc tu hành của họ đến đâu, họ có được xã hội tín nhiệm hay không. Họ không được ai ưa, vì không tốt và trình độ giới hạn, mà họ khen mình, coi chừng mình cũng sẽ bị ghét bỏ giống như họ, thì đâu đáng mừng với lời khen của người như vậy. Trong kinh Pháp Hoa dạy rằng dù có được Trời Đế Thích khen ngợi, cung kính cúng dường mà còn chưa mừng, nghĩa là ít nhất người khen mình có vị trí ngang tầm với chư Thiên cũng chưa lấy đó làm thành tích để bị vướng mắc.
Thực tế người khen trên mình thì đáng tin cậy. Ngày xưa ở Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hoa khen tôi có năng khiếu giảng dạy, tôi suy nghĩ lời khen của bậc Thầy để từ đó tôi bắt đầu hướng lên, phát huy con đường tu học của mình; làm sao Thánh Tăng, A la hán, hay Phật khen là đáng mừng, không phải ai khen cũng mừng. Trong kinh Pháp Hoa nói rằng các vị Bồ tát lớn thường được chư Phật khen ngợi, nên rất hoan hỷ. Đức Phật khen chư Bồ tát vì các Ngài đã từng cứu độ vô số chúng sinh thoát khỏi khổ não, Bồ tát được giải thoát và làm cho người khác giải thoát.
Chúng ta thực tập pháp Phật, được an lạc thật sự và người khác nghe theo ta, họ cũng hóa giải được nỗi khổ niềm đau. Đức Phật khen ta là Phật ấn chứng, thọ ký cho ta, ta vui mừng vô cùng. Đức Phật là bậc toàn giác toàn mỹ, nên chúng ta càng nỗ lực tiến tu theo Ngài. Còn ma khen ta, tức người xấu ác khen, ta sợ.
Được Bồ tát khen, ta liền trở thành quyến thuộc của Bồ tát; vì Bồ tát khen là họ cho ta hợp tác với họ. Trên bước đường tu, chỉ sợ Phật không chọn ta, Bồ tát không cho ta hợp tác; ta muốn làm, nhưng Phật không bổ xứ, Bồ tát không chấp nhận thì làm sao được. Được Phật khen và Bồ tát sử dụng, việc tu hành của chúng ta chắc chắn tốt đẹp và chúng ta đã kết thành quyến thuộc Bồ đề.
Đối với tiếng chê, chúng ta xét thấy nếu ma hay a tu la chê chúng ta dở, không biết đánh nhau, không biết nói dối, không biết hại người..., chúng ta không ngại; vì con đường chúng ta đi hoàn toàn khác với họ.
Chỉ sợ các vị Thánh Tăng chê; nhưng thường các Ngài không chê ai, chỉ khen người, vì lòng các Ngàiđã trong sạch, chỉ thấy cái tốt, còn cái xấu các Ngài đã loại ra khỏi tâm. Vì vậy, Đức Phật dạy Bồ tát Địa Tạng phải nhận ra việc tốt của những người ở địa ngục, dù họ có cái tốt mỏng như sợi tơ, Bồ tát cũng phải cứu họ. Trong khi ác ma chỉ biết cái xấu của người khác, mình tốt cả đời mà nó không biết tới, chỉ một lần mình sơ hở là ma chộp lấy để thổi phồng lên. Đạo Nho cũng nói chung thân hành thiện, thiện vu bất túc, nhứt nhựt hành ác, ác tự hữu dư; nghĩa là cả đời làm thiện cũng chưa đủ, hay cũng không ai biết cho mình, nhưng chỉ một lần sai lầm thì tội lỗi đó đã là quá nhiều, tất cả công lao đều bị vứt bỏ. Trái lại, Đức Phật dạy rằng đối với người cả đời sai lầm, nhưng lúc lâm chung họ nghĩ tốt, Bồ tát cũng phải cứu độ.
Thánh Tăng đã sạch nghiệp, không thấy những xấu ác của người khác, vì còn thấy cái xấu của người là còn giữ khả năng biết cái xấu thì sau này cũng sẽ trở thành xấu. Ví dụ ngày nay cho trẻ con xem phim bạo lực là đưa vào tâm hồn nó những việc ác. Cái ác mới đầu chỉ là phim ảo, nhưng để vào lòng rồi, sau này trở thành bạo lực thật.
Đức Phật dạy phải loại bỏ tất cả xấu ác ra khỏi tâm, nên mình có xấu chăng nữa, các vị A la hán cũng không biết, hay nói đúng hơn là các Ngài không để ý đến cái xấu đó. Người khác chỉ có một điều tốt thôi, chúng ta cũng phải ghi nhớ. Đi theo Phật và Bồ tát, chúng ta không bận tâm đến biết bao nhiêu cái xấu, chỉ học điều tốt và lưu lại trong lòng mình việc tốt, không biết cái xấu. Đức Phật Thích Ca nói rằng ở thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà, tên ác còn không có, làm gì có ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thật.
Các người mà chúng ta tôn thờ, kính trọng là bậc Thánh, các Ngài hoàn toàn trong sạch, không biết cái xấu và cũng không dám nghĩ đến cái xấu. Trong khi các Bồ tát lăn xả vào đời độ sinh mới biết rõ sự thật của tốt xấu. Vì vậy, chúng ta học với chư Bồ tát và Như lai, cái sai xấu của chúng ta được các Ngài chỉ dạy.
Theo Phật, trên chân lý không có thiện ác, nhưng trên sinh diệt có thiện và ác, có khổ và nguyên nhân của khổ. Nguyên nhân của khổ đau là sai trái, các vị Thánh không biết sai trái, hay nói đúng hơn các Ngài không dám thấy biết sai trái, nên đối với Thánh, chỉ có Diệt đế. Riêng tôi, có một khoảng thời gian tu hành, tôi không dám thấy, không dám nhìn những việc sai trái, vì sợ tâm mình bị giao động. Vì vậy, tôi luôn thực tập pháp Tứ chánh cần là điều thiện chưa sanh, phải làm cho sanh; điều thiện đã sanh, phải làm cho tăng trưởng; điều ác chưa sanh thì không cho sanh; điều ác đã sanh thì phải ngăn chận lại.
Tu như vậy, có phân ra thiện ác rõ ràng; nhưng tiến lên một tầng nữa, đoạn được ác của hành động và kế tiếp là đoạn ác trong tâm. Khi ác trong tâm không sanh khởi, sẽ nhận ra tâm thanh tịnh của mình; bấy giờ tịnh là thiện và ác là động. Vì vậy, loại bỏ cái ác của động, tâm chúng ta được thanh tịnh thì thế giới sanh diệt biến mất trong tâm và thế giới vô sanh hiện ra. Đi vào Thiền định là tịnh, tức động mất là vô sanh, bấy giờ tâm không sanh cũng không diệt. Tâm không sanh, hay vô tâm là vào được cửa Thiền, mới có thể vững trước khen chê, vì đã xa lìa được thiện ác.
Ở giai đoạn trước, có sự phân biệt khen chê; nhưng bỏ được ác thì thế giới tâm chúng ta mới an lạc. An lạc có hai tầng là an lạc của phước báo chư Thiên và an lạc của thế giới vô sanh. An lạc của phước báo chư Thiên, hay sự an lạc của việc hành thiện do chúng ta tu tạo, nhưng phước báo này hưởng hết cũng bị đọa. Thật vậy, người ta khen ngợi khi mình tốt, nhưng liệu chúng ta có tốt được suốt cuộc đời hay không. Dù chúng ta làm nhiều việc tốt đến đâu chăng nữa cũng phải có lúc chấm dứt, tức là hết phước thì người sẽ hết khen. Phước này là phước hữu lậu do tu pháp hữu vi là pháp sanh diệt, thì chúng ta làm là có sanh tất nhiên phải có diệt khi không làm nữa.
Vì vậy, khi chúng ta làm được những việc tốt trên cuộc đời, được kính trọng, khen ngợi là người tốt; nhưng cái thiện này nằm trong pháp sanh diệt, không phải vô sanh. Để tiến xa hơn trên bước đường tu theo Phật, chúng ta phải rời bỏ thiện ác trong thế giới sanh diệt, mà hướng về vô sanh, tức an trú trong tâm thanh tịnh mới vững trước khen chê của thế nhân. Còn nghĩ đến khen chê, tâm chúng ta còn động loạn. Động trong khen là động trong việt tốt; động trong ác là thấy việc bằng lòng chúng ta ưa thích, thấy việc không vừa ý, chúng ta khó chịu.
Trở về cái tịnh trong thế giới vô sanh và trụ trong vô sanh này thì đối trước hoàn cảnh vui, chúng ta cũng không vui, đối trước hoàn cảnh buồn, chúng ta cũng không buồn, đối trước mọi khen chê, chúng ta vẫn thanh thản.
Từng bước tu hành, Đức Phật dạy ban đầu thực hành pháp xả để đi đến Không và bước thứ hai là Tịnh, vững vàng lìa xa khen chê. Và lìa khen chê, tâm chúng ta tịnh rồi, thế giới mới bắt đầu mở ra là thế giới tịnh trong Thiền định, trong vô sanh của Phật, là thế giới Tâm.
Như vậy, từ thế giới hiện tượng bước vào thế giới tâm linh, thế giới thuần thiện và ở thế giới này, việc tu hành của chúng ta không ai biết, chỉ có Phật biết, ta biết, chúng ma không biết, nên không có khen chê; vì ma chỉ thấy được hiện tượng, khi nó thấy mình làm gì, nghe mình nói gì mà thích hợp với nó thì nó khen. Nhưng trong thế giới tịnh, chúng ta không nói, không làm thì ma không thấy chúng ta tu; vì chúng ta tu trong tâm, không tu bên ngoài. Ví dụ ma thấy tôi từ chùa Ấn Quang đến đây tu một ngày an lạc, nhưng sự diễn tiến trong tâm tôi từ thế giới sanh diệt đi vào vô sanh thì ma không thấy được, từ Ta bà tâm hướng đến Cực lạc, ma không thấy được. Vì vậy, Đức Phật ngồi ở cội Bồ đề, ma thấy Ngài ngồi yên, không làm, nhưng lực tác động của việc ngồi yên thì thật là vô cùng lớn lao; vì chân tâm của Đức Phật đã chi phối toàn vũ trụ, mười phương Phật mới hiện ra. Bấy giờ, Trời, người, a tu la chỉ thấy Phật bỏ cung họ Thích đến cội Bồ đề, vừa thành Phật và những người theo Phật cúng dường. Bề ngoài Đức Phật hiện thân một vị Sa môn ốm yếu, nhưng trong thế giới tâm linh của Phật thì không ai hiểu được. Tại sao vua Tần Bà Sa La cung kính cúng dường Phật, ma không thể biết được thế giới tâm thức của Phật là Ngài đã đạt thập lực, tứ vô sở úy. Thấy Phật không làm, nhưng mọi việc tốt đẹp đều nhờ Phật. Đến khi Phật Niết bàn, tiếp nối có các bậc cao Tăng cũng không làm, nhưng phải thỉnh các Ngài đến chứng minh, thì việc nào cũng thành tựu. Thấy các bậc cao Tăng không làm Phật sự, nhưng thật sự các Ngài làm rất nhiều là làm trong vô sanh, tu trong vô sanh. Vua Tống Nhân Tông ở Trung Quốc nhận chân được tinh thần vô tác diệu lực này của các bậc cao Tăng, ông mới thốt lên rằng "Bang bang như ý chủng chủng hiện thành”, nghĩa là mọi việc đều theo ý của các Ngài, mọi việc đều thành công dễ dàng. Thuở nhỏ đọc bài phú này, tôi thường suy nghĩ : Phù thế gian tối quý giả, bất như xả tục xuất gia ... Vua ca ngợi rằng điều quý nhất trên thế gian không gì hơn là cạo tóc đi tu theo Phật. Người thấy được điều cao quý này không nhiều. Trải qua cuộc đời tu hành, tôi nhìn lại và rất tâm đắc với điều mà vua Tống khao khát và khen ngợi rằng tu là quý nhất. Nhà vua nhận thấy cuộc sống của người xuất gia nhàn hạ, không làm gì, nghe tiếng bảng là đi quả đường, nghe tiếng chuông thì đắp y đi tụng kinh.
Mới nghe qua điều này, thấy người tu sướng, nhưng đi tu rồi, thấy không sướng, vì phải làm thế nào để "bang bang như ý, chủng chủng hiện thành”, một việc chắc chắn không đơn giản chút nào. Muốn như vậy, chúng ta phải đi vào thế giới vô sanh, vì đã xả bỏ việc thiện ác bên ngoài và thuần sống với nội tâm, mới được mọi việc như ý mình (bang bang như ý), hay Tứ như ý túc trong 37 trợ đạo phẩm. Tượng Tỳ Lô Giá Na cầm cây như ý tiêu biểu cho ý nghĩa hoàn toàn chủ động, mọi việc đều như ý. Tuy Tống Nhân Tông là vua có toàn quyền, nhưng không phải mọi việc đều theo ý ông đâu, mà trái lại, toàn là việc khó xử, lúc nào ông cũng căng thẳng.
Các vị cao Tăng tu hành, không làm bằng hành động, nhưng làm tâm thanh tịnh, nên mọi việc tốt đẹp. Điều này thể hiện rõ nét khi các Ngài hiện hữu, chùa tỏa sáng sức sống và khi các Ngài viên tịch, mọi việc lụn bại dần. Người không có đức hạnh phải làm nhiều nhưng kết quả không được bao nhiêu, vì họ còn sống với thiện ác, khen chê. Làm sao vượt thoát thiện ác, khen chê của cuộc đời, nhưng kết quả phải cống hiến được nhiều cho xã hội, mới thật sự tốt. Còn bất chấp khen chê thì không được lợi ích gì và bản thân mình cũng khổ là sai.