Sách
(Bài giảng mùa Phật Thành đạo PL. 2531 – 1987)
"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi
Như Lai đã tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ xây cái nhà này
Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn
Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi
Từ đây, ngươi không còn xây nhà cho Như Lai nữa
Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan
Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục”.
Vào lúc bình minh sau 49 ngày tư duy dưới cội Bồ đề, Đức Phật nhận chân tận cội nguồn con đường chấm dứt mọi vô minh sai lầm tạo nên trầm luân khổ đau. Ngài đã nói lên bài kệ khải hoàn trên, diễn tả tâm trạng tràn đầy niềm hoan hỷ, thanh thoát của ngài trong giây phút thành đạo. Đây là khởi điểm vô cùng ngời sáng và trọng đại trên bước đường tìm chân lý và thể hiện chân lý của Đức Phật trong cuộc sống hiện thực của con người trên 25 thế kỷ.
Cảnh giới của Đức Phật thâm nhập và sự thấy biết mà ngài thân chứng trong giờ phút thành đạo thật vô cùng siêu việt. Từ sự thấy biết quá bao la diệu vợi của đấng Toàn giác, Đức Thế Tôn nhận rõ rằng không thể nào chỉ cho mọi người biết được người thợ đã xây ngôi nhà. Nghĩa là ngài không thể truyền trao cho họ nguyên tắc chi phối con người và quy luật điều động vũ trụ pháp giới. Đó là kiến thức nằm ngoài tầm nắm bắt đối với con người còn đầy đủ tham sân si, chưa ra khỏi sinh tử.
Với lòng từ bao la vô hạn, Đức Phật trở lại hoàn cảnh thực tế của những con người bình thường. Ngài quan sát cuộc sống, khả năng của họ, để xây dựng một hướng đi thiết thực lợi ích.
Trên bước đường khởi đầu truyền bá chân lý, Bát Chánh Đạo thuộc một trong 37 phẩm trợ đạo chính là con đường đi đến giải thoát mà Đức Phật vẽ ra cho mọi người. Theo đó họ tri nhận từng bước đúng đắn những định luật thiên nhiên và xã hội. Và họ vận dụng được những quy luật khách quan vào việc phục vụ cuộc sống nhân sinh.
Mô hình kiểu mẫu Bát Chánh Đạo do Đức Phật đưa ra giúp cho mọi người tiếp nhận chân lý, thể nhập chân lý. Đó không phải là một học thuyết lý luận suông. Trái lại, kể từ thời điểm thành đạo huy hoàng đó, Đức Phật đã không ngừng nghỉ thể hiện trọn vẹn tinh thần Bát Chánh Đạo trong suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh của ngài.
Thật vậy, trong 49 năm thuyết pháp, những lời dạy của Đức Phật hoàn toàn không phát xuất từ những suy tư trừu tượng, hư vô, ảo ảnh như các triết gia khác. Những gì Đức Phật giảng dạy cho người đều là thành quả mà ngài đạt được ngay trong cuộc sống.
Với tri kiến thấy đúng như thật, khi vừa rời Bồ đề đạo tràng, Đức Phật quán sát thấy năm anh em Kiều Trần Như mang khát vọng ra khỏi sinh tử. Họ chán ngán mọi tranh chấp thời ấy, tìm đường giải thoát bằng cách tu khổ hạnh, sống ẩn dật với muôn thú nơi hoang dã. Đức Phật biết rõ tâm niệm, hoàn cảnh của năm người bạn trước kia đồng tu với ngài. Ngài cảm thông với nỗi khổ lớn của họ là suốt đời để tâm tu khổ hạnh. Nhưng chẳng những họ không được giải thoát, còn chồng chất thêm nhiều ràng buộc phiền lụy. Ngài hiểu rõ họ đang ước mơ gì và Như Lai đã đến đúng thời điểm, nói đúng pháp mà họ mong chờ. Ngài đã khai tri kiến cho năm người bạn trí thức, đạo đức của thời đại. Và họ đã trở thành năm người đệ tử đầu tiên của ngài trên bước đường lập giáo khai tông.
Để tiếp tục sự nghiệp giáo hóa độ sinh, Đức Phật đã từng bước đồng hành với mọi người. Ngài hòa mình, xử thế với người rất đẹp, đến độ ai cũng phải nhìn nhận ngài là bậc toàn thiện, khéo léo đưa hàng ngoại đạo trở về con đường chân chánh.
Đức Phật thành tựu được như vậy, vì đối trước một sự kiện, ngài biết rõ từ nguyên nhân đến kết quả. Ngài thấy được chánh nhân và duyên nhân, hay những điều kiện nội tại và ngoại tại. Chẳng hạn như gặp một người ác, Đức Phật không vội phê phán theo thấy biết bề ngoài hay bằng tình cảm bình thường. Ngài phân tích xem có phải họ hành động ác là vì hoàn cảnh xấu thúc đẩy phạm sai lầm, hay thật sự phát xuất từ bản tánh ác.
Chính nhờ vậy mà Đức Phật cảm hóa người một cách dễ dàng. Điển hình như Đức Phật đã một mình một bóng đến giáo hóa Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp. Ngài biết rõ ngôi vị quốc sư của một nước lớn đã khiến ông sống trong sự kiêu mạn, thúc đẩy ông xa rời việc tu hành và làm những việc tội lỗi. Ông đã trở thành một công cụ xấu của nhà vua. Trong khi thực chất Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là một người giỏi, có tài. Trong bước đầu, ông cũng mang tâm niệm đi tìm chân lý giống như Đức Phật. Nhưng tiếc thay, nửa đường ông lại bị vướng mắc vào vòng danh lợi.
Đến với tư cách một La hán, một con người giải thoát hoàn toàn, chẳng những Đức Phật thản nhiên tự tại trước mưu mô của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thả rắn hại ngài. Ngài còn khắc phục được sự sa đọa của ông và phát huy điểm tốt ở ông. Ngài đã đánh thức hảo tâm cầu đạo ban đầu của ông. Đức Phật giúp đỡ điều kiện để ông đi theo con đường chân chính, chuyển đổi ông trở thành người tri thức biết sống hiền lương chân thật.
Có trí tuệ của bậc Chánh biến tri, Đức Phật luôn nhận chân được sự thật, luôn suy nghĩ đúng và thấy đúng. Vì thế, ngài thành tựu những việc lợi lạc, như bác bỏ truyền thống giai cấp cố hữu tự muôn đời của Bà la môn giáo. Đức Phật đã bảo bảy vương tử dòng họ Thích đến đảnh lễ Ưu Ba Li, trong khi ông này thuộc giai cấp phục dịch cho họ trước kia. Hoặc như vua Ba Tư Nặc phải chấp nhận Sunita là người hốt phân ngang hàng với các vị thuộc giai cấp cao sang khác trong giáo đoàn.
Việc làm và lời tuyên bố của Đức Phật khẳng định sự bình đẳng trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số quần chúng thời ấy. Họ hoàn toàn bất mãn trước luật pháp thối nát, bất công. Đức Phật là người duy nhất dám nói lên sự thật.
Quan sát thực trạng xã hội bằng sự thấy biết đúng đắn chính xác, Đức Phật nhận thấy rõ quần chúng đã chán ngán và mất niềm tin nơi giai cấp Bà la môn. Vì giới này đang suy đồi, hư hỏng nặng; chỉ còn thuộc lòng một số kinh Vệ Đà. Họ chuyên cúng kính lễ bái, đánh mất hẳn phần tri thức và đạo đức là hai yếu tố căn bản làm cho giới này luôn được kính ngưỡng trước kia. Họ đã đi ngược lại với yêu cầu của xã hội đang phát triển, đang cần mẫu người tài giỏi, đạo đức.
Sự hiện hữu của Đức Phật có trí tuệ sáng suốt và cuộc sống thánh thiện, cũng như cuộc sống kiểu mẫu mô phạm của Tăng đoàn thời ấy, đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nói trên của xã hội. Chẳng bao lâu, Đức Phật và Tăng chúng đã nhanh chóng ảnh hưởng vào xã hội và thay thế tập đoàn Tăng lữ Bà la môn già cỗi, sa đọa. Điều này khiến cho hàng vua chúa đương thời phải khiếp sợ.
Chỉ trong 12 năm, toàn xứ Ấn đã quy ngưỡng Đức Phật và những người tốt cũng lần lượt xin gia nhập Tăng đoàn. Nhìn lại sự phát triển của Tăng đoàn và uy tín của Đức Phật, chúng ta thấy rõ ngài là bậc toàn giác, toàn trí. Ngài nắm được những quy luật khách quan, điều động, chi phối sinh hoạt của con người và xã hội. Đức Phật thấu suốt tâm tình quần chúng, đáp ứng tốt đẹp yêu cầu của quần chúng. Ngài xứng đáng là bậc Thầy của trời người.
Trên bước đường vân du hóa độ, Đức Phật luôn hiểu và sống phù hợp với sự thật, mang lợi lạc cho mọi người, tạo thành đức hạnh trọn lành. Đức Phật không phạm một lỗi lầm nào, nên ngài thản nhiên bình ổn, tự tại trước mọi chống đối hiểm nguy. Không ai não hại được ngài.
Đức Phật không từ chối một việc nào có thể mang lại lợi ích, an vui cho đời. Ngài hướng dẫn, cảm hóa mọi tầng lớp vua chúa, Bà la môn, hay những người thấp nhất trong xã hội, giúp họ phát triển khả năng và thăng hoa trên con đường thánh thiện. Ngài còn làm những việc rất bình dị, nhưng thật cao cả, toát ra sự khiêm cung đáng kính phục. Ví dụ như Phật đã bế nai con cho nó theo kịp nai mẹ; hoặc ngài xỏ kim cho bà già bên vệ đường, hay rửa chân cho một Sa môn bị bệnh. Sự hiện hữu của Đức Phật quả thật là quý giá cần thiết cho cuộc đời vậy.
Ngày nay, tuy Đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, tinh thần bát Chánh Đạo mà ngài đã soi rọi cho cuộc sống nhân sinh vẫn là mô hình kiểu mẫu chỉ đạo cho những người có cùng hạnh nguyện với ngài trên khắp năm châu. Tinh thần ấy vẫn được từng thế hệ nối tiếp phát huy, đóng góp tích cực cho các dân tộc ở những thời đại khác nhau, tạo nên sức sống Phật giáo muôn màu muôn vẻ.
Bát Chánh Đạo là quy luật sống trong xã hội mà hầu hết giáo lý Phật giảng dạy trong 49 năm đều nhắc nhở. Tám ngành trong Bát Chánh Đạo giúp chúng ta quay trở về chính mình, tu tạo thiện nghiệp của thân khẩu ý. Với mục đích phát huy ba khía cạnh căn bản trong việc tu tập phát triển trí tuệ là giới, định, tuệ (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), Bát Chánh Đạo huấn luyện thân tâm, thúc liễm hành động con người, để không bị hoàn cảnh chi phối hay ngoại duyên làm giao động.
Từ hạn chế ham muốn, tâm mới yên tĩnh, tiến đến giai đoạn định học. Định học (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) để tập trung sức mạnh tâm linh, xây dựng và phát huy tánh điềm tĩnh.
Tuệ học (chánh kiến, chánh tư duy) để hiểu biết chính xác, thấy được bản chất của sự vật, một cái thấy phù hợp với chân lý.
Với tam học là giới, định, tuệ, chúng ta hiểu rõ định luật xã hội và thiên nhiên. Từ đó, vận dụng những quy luật khách quan phục vụ cho cuộc sống con người.
Cùng nối tiếp dòng pháp sinh động này, chúng ta có thể tự hào Phật giáo Việt Nam không những đã kế thừa tinh thần Bát Chánh Đạo, mà còn biết kết hợp hài hòa với tinh thần yêu nước nồng thắm của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, cha ông chúng ta đã đóng góp thêm phần tinh hoa cho những trang sử đẹp của lịch sử Việt Nam.
Giáo lý Bát Chánh Đạo không phải chỉ là mớ giáo điều khô chết. Tinh ba của mô hình Bát Chánh Đạo đã được các Thiền sư Việt Nam tiếp thu bằng trí tuệ và vận dụng vào cuộc sống thực tiễn, tạo thành sự thấy biết luôn chính xác. Và nhờ vậy thực hiện được những đóng góp tích cực đáng kể cho dân tộc, nêu cao đời sống gương mẫu đạo đức, được mọi người kính ngưỡng.
Đạo Phật ở Việt Nam đã tồn tại gần 20 thế kỷ, vẫn còn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt trong mọi người. Đó là nhờ truyền thống dấn thân của Phật giáo, làm lợi lạc cho đất nước, cho dân tộc. Trong lịch sử không ít những Thiền sư Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Bát Chánh Đạo qua những cống hiến hết sức quan trọng và quý báu cho nhu cầu dân tộc trong từng thời kỳ. Các Thiền sư đã xuất hiện dưới nhiều dạng thái khác nhau. Khi thì các ngài đóng vai Thái sư Khuông Việt, hay người chèo đò Đỗ Thuận, có lúc lại là người thầy thuốc Tuệ Tĩnh, hay thợ đúc đồng Nguyễn Minh Không. Thậm chí có lúc tự tại ở ngôi vị đế vương xông pha trước mũi tên lằn đạn, để chống đỡ cho muôn dân thoát khỏi nạn dày xéo của ngoại bang. Đối với các ngài, hình thức cư sĩ, xuất gia, làm vua, làm quan, làm người chèo đò, làm thầy thuốc, làm thợ mộc, hay thợ đúc đồng, hoặc bất cứ ngành nghề gì; chẳng qua chỉ là lớp áo đổi thay không dừng trên sân khấu cuộc đời. Trong tâm niệm các ngài luôn mong mỏi đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.
Vì vậy, tất cả Thiền sư đi vào cuộc đời, vẫn không xa lìa Bát Chánh Đạo. Các ngài không hề bị lợi danh quyền thế làm hoen ố, vẫn đục tâm hồn thanh thoát. Đức hạnh ấy đã tạo thành những dòng Thiền cá biệt tiêu biểu cho sức sống của đạo Phật Việt Nam, tác động một cách sâu sắc, tự nhiên và cần thiết vào lòng dân tộc Việt Nam, như không khí, như hơi thở, như dòng nước thẩm sâu trong lòng đất mẹ.
Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi khởi đầu ở Việt Nam, đã tạo một bước ngoặt cho Phật giáo thần bí chuyển sang quan niệm Phật giáo duy lý. Gắn bó với cuộc sống phục vụ dân tộc, dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi góp phần đào tạo nhân tài tham gia cuộc vận động độc lập, tự chủ của dân tộc. Vạn Hạnh Thiền sư là linh hồn của dòngThiền này. Ngài đã có thái độ ứng xử và hành động của một người thấy xa hiểu rộng. Khi các vua Lê hỏi ý kiến, ngài đưa ra những giải đáp thật chính xác như "Trong 21 ngày, quân Tống phải rút lui”, hoặc "Phải gấp rút đưa quân đại phá Chiêm Thành ngay, không được bỏ lỡ cơ hội tốt”.
Mặc dù sư Vạn Hạnh đã 70 tuổi, nhưng thấy nhà tiền Lê suy, Lê Ngọa Triều hoang dâm vô độ, không còn được lòng dân. Ngài đã phải đóng vai chủ động trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua một cách êm thắm, không gây đổ máu. Bước trên con đường Bát Chánh, ngài đã hành động theo đúng chiều hướng tiến triển của lịch sử, sáng tạo lịch sử đúng với quy trình vận động của nó.
Khi Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi suy tàn, Thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời, có khuynh hướng phát triển nhận thức về phương diện văn học hơn. Điều này cũng dễ hiểu; vì khi giặc ngoại xâm quấy nhiễu, các Thiền sư tham gia cứu nước. Đến lúc giặc tan, các ngài lo việc dựng nước, lo phát triển nền quốc học.
Qua những trang sử vẻ vang, chẳng những Phật giáo hài hòa với truyền thống yêu nước của dân tộc để chống lại mọi cuộc xâm lăng đất nước ta. Về phương diện tư tưởng, văn hóa, Phật giáo cũng hòa hợp với bản sắc của dân tộc; cùng dân tộc xây dựng một nền tư tưởng văn hóa quốc gia độc lập. Trong chiều hướng này, Thiền phái Vô Ngôn Thông đã góp phần tích cực, hay nói đúng hơn là giữ địa vị độc tôn trong việc phục hưng, xây dựng nền văn học độc lập, trong sáng, nhân bản, đượm thắm tình thương và trí tuệ.
Tuy nhiên, đến khi Thiền phái Vô Ngôn Thông phát triển đến cao độ trên con đường văn thơ, xa rời cuộc sống, thì không còn thích hợp và mất sức hấp dẫn. Lúc ấy, lại sản sinh ra dòng Thiền Thảo Đường do các vua Lý sáng lập, đưa đạo Phật trở lại con đường phục vụ tổ quốc và dân tộc. Và ý thức hội nhập vào xã hội đạt đến đỉnh cao nhất với sự xuất hiện của dòng Thiền Trúc Lâm.
Tư tưởng triết lý của hai dòng Thiền Thảo Đường và Trúc Lâm thông suốt qua nhiều thế hệ các Thiền sư đời Lý Trần. Đó chính là hạt nhân để quy tụ lòng người, làm cơ sở cho trí tuệ và đạo đức xã hội. Nhờ vậy, tạo nên một nước Đại Việt thật sự thống nhất vững vàng. Chẳng những giúp cho đất nước có thể thắng lợi mọi cuộc thôn tính của ngoại xâm, mà còn tạo được xu thế phát triển xã hội và quốc gia mạnh mẽ.
Đặc biệt đạo Phật thời Lý Trần đã thể hiện một triết lý sống, chứ không phải là những tín điều chết. Các Thiền sư và Phật tử thời Lý Trần đã quán triệt và thực hiện triết lý ấy bằng cả cuộc sống của chính mình, bằng tư tưởng, lời nói và việc làm hàng ngày.
Dù ở cương vị nào, các ngài cũng đã áp dụng tinh thần Bát Chánh Đạo vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Kết quả là đưa đến việc khai sáng một triều đại nhà Lý thuần từ, kéo dài trên 200 năm. Các vua nhà Lý, từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông, đều nổi tiếng là những ông vua đức độ, thương dân và gần gũi dân.
Kế tiếp là triều đại nhà Trần, với Trần Thái Tông nghe theo lời dạy của Phù Vân quốc sư, trở về sống một cuộc đời lấy lòng dân làm lòng mình. Trong suốt mười năm, ông vừa tổ chức nội trị, vừa chống giặc ngoại xâm, vừa suy tư kinh Phật. Hoặc Tuệ Trung Thượng sĩ, hay đệ nhất Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn có cả một quá trình tham Thiền hành đạo, bằng cách dấn thân đồng hành với nhân dân xông pha trận mạc. Ông chiến thắng oanh liệt kẻ thù và khai sinh ra tinh thần dân chủ, tôn trọng ý chí tập thể trong hội nghị Bình Than, Diên Hồng.
Thiền tông Việt Nam quả đã phát huy được tinh thần Bát Chánh Đạo, đem lại lợi ích thiết thực cho dân tộc. Tiếp nối tinh thần Bát Chánh Đạo, Giáo hội chúng ta cũng đã vượt qua những bước đáng kể. Thật vậy, đối trước những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, Giáo hội đã từng bước tạo nên sự chuyển đổi tốt đẹp trong tư duy và hành động cho Tăng Ni, Phật tử, mở ra nếp nghĩ và lối sống thích ứng với xu thế đi lên của dân tộc. Nhờ đó, Giáo hội đi dần vào thế ổn định, tiến đến sự trưởng thành lớn mạnh như ngày nay.
Con đường Giáo hội vạch ra cho Tăng Ni, Phật tử cùng chung sinh hoạt, phát triển lợi lạc, nhờ khởi nguồn từ cách nhìn và sự đánh giá đúng đắn của Giáo hội (chánh kiến). Cách nhìn đúng đắn ấy được phát xuất từ tư duy luôn hướngvề lợi ích cho đất nước, dân tộc và xa hơn, cho an lạc, hòa bình của nhân loại (chánh tư duy). Vì vậy, đưa ra những nghị quyết đúng đắn, được Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng, chấp nhận (chánh ngữ); làm cho hoạt động của Giáo hội ngày thêm sinh động, đạt được những thành quả khả quan.
Thành quả tốt đẹp thể hiện liên tục qua những hoạt động phụng đạo yêu nước của Tăng Ni, Phật tử, góp phần không nhỏ cho việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế; đồng thời gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân (chánh nghiệp,chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Đây là một khẳng định biểu lộ sự hiện hữu cần thiết và tốt đẹp của Giáo hội chúng ta trong lòng mạch sống của dân tộc.
Tóm lại, sau những tháng năm tu tập và tư duy dưới cội Bồ đề, Đức Phật thành đạo, thấy được Bát Chánh Đạo, hay quy luật điều động con người và xã hội.
Ngày nay kế thừa chân tinh thần của Đức Phật dạy, chúng ta không phát huy trí tuệ bằng cách một mình ngồi yên dưới cây Bồ đề để thành đạo. Trái lại, chúng ta thể hiện tinh thần Bát Chánh Đạo qua sự nhập thân đa dạng vào thực tiễn cuộc sống. Chúng ta, các vị cao Tăng và cư sĩ trí thức cùng tập trung để trao đổi, thảo luận, nhằm vạch ra phương hướng hoạt động đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời hiện đại.
Những thành tựu này cho phép chúng ta khẳng định ý nghĩa của sự thành đạo PL. 2531 đồng nghĩa với khả năng tập họp và phát huy trí tuệ tập thể của Giáo hội bằng sự vận dụng tư tưởng tích cực trong sáng của giáo lý Phật vào đời sống xã hội. Đó là sắc thái đặc thù của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Mong rằng giới Phật giáo chúng ta vốn có truyền thống khế lý, khế cơ, sẽ phát huy thiết thực hơn nữa truyền thống nhập thế sinh động của Phật giáo Việt Nam, để thành tựu nhiệm vụ tốt đạo đẹp đời của người đệ tử Phật.