Sách
(Bài giảng tại chùa Phổ Quang ngày vía Đức Phật Di Đà, 17-11 âm lịch 2004)
Hôm nay, chúng ta tổ chức lễ cầu nguyện cho tất cả hương linh đã bỏ mình vì nhiều lý do, có người được thờ cốt trong chùa, nhưng cũng có nhiều người không biết chết ở đâu và lúc nào. Ban Tổ chức mời tôi giảng kinh để siêu độ cho những người đã chết và cầu an cho những người còn hiện hữu trên cuộc đời. Muốn làm được việc này, chúng ta phải hết lòng, nhứt tâm cầu nguyện thì mọi oan khiên của người quá vãng được giải cứu và người còn hiện hữu trên cuộc đời cũng được an lành. Đó là ý nghĩa quan trọng mà Thành hội Phật giáo chúng ta tổ chức lễ siêu độ nhân ngày vía Đức Phật Di Đà.
Tôi xin nhắc những người hiện hữu và các hương linh ở trong hư không lời Phật dạy rằng tâm thanh tịnh thì cảnh giới thanh tịnh, không nhứt thiết phải đang ở thiên đàng, Cực Lạc, hay Ta bà. Tuy nhiên, ở thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà, tâm của Phật và Bồ tát, cùng Thánh chúng hoàn toàn thanh tịnh và thế giới đó được trang nghiêm bằng bảy báu. Vì vậy, nương vào tâm thanh tịnh của các Ngài ở thế giới thanh tịnh, chúng ta cũng dễ dàng thanh tịnh theo. Còn chúng sanh ở Ta bà, tâm không thanh tịnh mới tạo ra thế giới có nhiều loại hình khác nhau, có sáu đường chúng sanh và ở ngay trong thế giới này cũng có đủ tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Như Lai. Thật vậy, nơi nào có Như Lai ra đời, thì Tịnh độ Phật hiện ra. Nơi nào có Bồ tát dấn thân hành đạo, sen lòng của chúng ta được nở rộ. Nơi nào có Thánh Tăng, Thanh văn, Bích chi Phật, thì liền hiện cảnh giới Niết bàn. Vì thế, ở Ta bà, chúng ta có đủ Tịnh độ của Phật, Bồ tát, Niết bàn của Nhị thừa và phước báo của chư Thiên, loài người. Nhưng chúng sanh vì oan khiên nghiệp chướng nhiều đời, ôm lòng uất hận quá sâu; nên địa ngục hiện ra với họ, nghĩa là phải sống trong hoàn cảnh mà họ không bằng lòng, cảm thấy bực tức, khổ đau. Cuộc sống quá đau khổ được coi là cảnh địa ngục trần gian. Cuộc sống thực tế của họ khổ đau như vậy, thì sau khi chết, họ vẫn mang tâm hồn u uất, bị dày vò khổ sở với sự uất hận ấy. Họ đang rơi vào cảnh địa ngục vô hình, địa ngục của tâm.
Cảnh địa ngục hữu hình ở thế gian dễ thấy và mọi người dễ nhận biết, nhưng địa ngục nội tâm vô hình thì chỉ có một mình người khổ đau cảm nhận mà thôi. Những người chết mà không thổ lộ và không hóa giải được nỗi niềm buồn khổ, họ sẽ rơi vào địa ngục vô hình. Nếu họ may mắn có được người thân biết tu hành, cúng dường, làm việc phước thiện để hồi hướng cho họ; hoặc nhờ Thánh Tăng, Bồ tát giải oan khiên cho họ. Họ không còn cảm thấy u uất, khổ đau, oán hận, cũng được an vui, hạnh phúc ở cõi Trời. Điển hình như mẹ của Mục Kiền Liên, lúc sanh tiền, sống giàu sang sung sướng; nhưng bà không bao giờ có tâm trạng sung sướng, an lành, vì những người thân cận không làm bà hài lòng. Vì vậy, khi qua đời, bà sanh vào loài ngạ quỷ, khổ sở vô cùng. Khi Mục Kiền Liên chứng sáu phép thần thông trong Thiền định, ngài thấy được tất cả cảnh khổ trong sáu đường sanh tử và nỗi khổ của thân mẫu; nhưng không thể cứu bà khỏi cảnh ngạ quỷ. Nhờ Đức Phật còn hiện hữu trên cuộc đời, Ngài dạy Mục Kiền Liên lập đàn siêu độ, thỉnh chư Tăng chú nguyện. Nhờ đàn tràng và chư Tăng thanh tịnh mới giải trừ được nghiệp cho bà; tức khắc bà liền sanh lên cõi Trời Đao Lợi. Đó là cảnh giới chư Thiên gần chúng ta và ở đó có phước lạc lớn nhất mà loài người không có; vì tất cả chúng sanh và mọi thứ hiện hữu ở cảnh giới này được sanh ra do phước báo, do tâm an vui. Vì vậy, ở cõi Trời có điều kỳ lạ là khi có tâm an vui, giải thoát, thì cảnh giới đẹp hiện ra. Nhưng vì lúc nghiệp còn sót lại, nên khi họ khởi lên ý niệm điên đảo, vọng tưởng, thì liền bị đọa xuống ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nghe điều này, chúng ta thường sianh nghi, có nên đến thế giới này hay không. Sanh ở thiên đường dễ, nhưng xuống cũng nhanh. Theo Phật dạy, thế giới này là thế giới của tâm thức, do tâm thức tạo ra; không phải thế giới vật chất.
Phật dạy rằng khi mời tất cả hoạnh tử cô hồn, tất cả những người chết trong đau khổ, chúng ta nên nhắc họ nhớ đến nửa bài kệ của kinh Hoa Nghiêm, thì họ liền an vui, cũng được sanh ở cõi Trời.
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhứt thiết Phật
Ưng quán Pháp giới tánh
Nhứt thiết duy tâm tạo.
Hiểu nửa bài kệ này thôi, rằng tất cả cảnh giới đều do tâm tạo ra; tạo thiên đường hay địa ngục cũng do tâm chúng ta. Giờ trước gặp bậc chân tu đức hạnh, Thánh Tăng đáng kính, hay người mà chúng ta quý mến, tâm được cởi mở, an vui, nghĩ đến việc tốt; trong khoảnh khắc đó, chúng ta đang ở thiên đường. Thực tế điển hình như các Tỳ kheo sống cạnh Phật, dù cuộc sống đạm bạc; nhưng họ cảm thấy đầy đủ là đầy đủ trong tâm thức, không ham muốn, không đòi hỏi, không thù nghịch. Trong lúc đó, họ đang sống ở Niết bàn; vì tâm thanh tịnh, an vui, giải thoát tạo cho họ có Niết bàn. Nhưng nếu túc nghiệp hiện lên, cũng trong khoảnh khắc, chúng ta đang an vui vụt nhớ đến bất hạnh trong quá khứ; đó là cái nghiệp quá khứ hiện ra trong lòng chúng ta. Hoặc bất chợt thấy người mà ta không thích, lòng ganh tỵ, bực tức, đau khổ liền bộc phát, tự xóa mất tâm an vui, cảnh địa ngục, A tu la liền hiện lên.
Phật dạy rằng khi tâm chúng ta an vui được ví như mặt trời trí tuệ mọc thì bóng tối khổ đau biến mất. Nhưng túc nghiệp hiện ra, giống như màn đêm phủ xuống, mây mờ che khuất ánh trăng, ánh sáng an vui không còn nữa. Sự trong sáng của linh hồn tạo cảnh giới thiên đường, sự đen tối của linh hồn tạo ra địa ngục. Tôi quan sát thấy nhiều người phút trước rất hiền lành, nhưng phút sau gặp oan gia nghiệp chướng, tâm họ thay đổi hoàn toàn. Giờ trước là Phật tử dễ mến, nhưng giờ sau có thể trở thành A tu la và từ A tu la có thể rơi vào địa ngục. Trong một ngày, tâm thức của con người luôn thay đổi trong từng sát na, từng hơi thở, gọi là dạo chơi trong sáu đường sanh tử. Vui là thiên đường, khổ là địa ngục, giận dữ vô cùng là A tu la, ham muốn không được là ngạ quỷ.
Trong một ngày, con người thay đổi không biết bao nhiêu dạng hình của tâm lý, mà Ngài Trí Giả đại Sư lý giải rằng trong một niệm tâm, tâm thức chúng ta thay đổi đến ba ngàn lần. Nhận chân được trạng thái biến động của tâm linh hoạt như vậy, chúng ta theo Phật nghe pháp, luôn giữ tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên. Người giữ được sáu niệm này trong cuộc sống, thì Phật dạy rằng họ sẽ thăng hoa tư cách từ người tiến lên quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật; không bị trở xuống ba đường ác. Vì thế, việc thực hành sáu niệm tâm này rất quan trọng trên bước đường tu của chúng ta.
Niệm Phật là nghĩ đến bậc thánh thiện, toàn giác. Nghĩ đến hảo tướng bên ngoài của Phật, cho đến lời nói, suy tư, việc làm và sinh hoạt nội tâm của một Đức Phật, thì chúng ta cảm nhận được sự an lạc vô cùng. Tu pháp môn Tịnh độ, niệm Phật, trong tâm chúng ta luôn có Phật hiện hữu, sinh hoạt. Tuy ngồi yên, nhưng Phật xuất hiện trong lòng chúng ta với tư cách một hài đồng rất dễ thương. Tôi đã viếng thăm vườn Lâm Tỳ Ni hai lần. Cảnh bên ngoài hoang tàn đổ nát, nhưng tôi cảm nhận được cảnh Phật ra đời có hoa Vô Ưu nở rộ, chư Thiên chào đón và xuất hiện Bồ tát Hộ Minh cỡi bạch tượng sáu ngà đến, thấy hoàng hậu Ma Gia hào quang rực rỡ, từ cánh tay của bà, thái tử ra đời, có chín rồng phun nước, có bảy đóa sen đỡ bước chân Ngài, v.v… Quán tưởng như vậy, niệm như vậy, khung cảnh sáng đẹp tự xuất hiện trong lòng, cảm thấy an vui kỳ diệu. Tâm chúng ta đã đặt vào thế giới thanh tịnh rồi, là niệm Phật.
Hoa Vô Ưu nở tiêu biểu cho tâm không lo buồn, sợ hãi, giận dữ; đó là cảnh thanh bình hiện trong lòng chúng ta ở bước đầu tiên niệm Phật. Người niệm Phật ở núi rừng, hay ở trong phòng, lúc đi kinh hành, hoặc ngồi yên, cảnh này tự hiện trong tâm; không phải cảnh bên ngoài. Nhưng nếu nương theo cảnh bên ngoài thanh tịnh, thì tâm chúng ta thanh tịnh theo dễ hơn. Vì thế, chúng ta đến chùa lễ Phật, nghe pháp, thanh tịnh dễ. Trái lại, đến chùa gặp người không bằng lòng, thấy việc không thích, bực tức, khổ đau theo đó hiện ra trong tâm. Lúc đó, miệng họ niệm Phật; nhưng tâm niệm địa ngục, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ. Tâm họ đã ở trong ba đường ác, thì tướng ác cũng theo đó xuất hiện. Đó là điều cấm kỵ mà các Phật tử không nên phạm.
Niệm Phật, thấy Phật xuất hiện, thì Phật đang ở trước mắt, ở trong tâm và ta dõi theo từng bước chân đi của Phật, từng việc làm của Phật. Tướng hảo và tâm thanh tịnh của Phật in vào tâm ta, tác động cho tâm ta thanh tịnh theo và từng bước chúng ta cũng được hảo tướng. Nhiếp tâm niệm Phật thì gặp việc đáng giận sẽ không giận; vì đang niệm Phật, thấy Phật dễ thương, làm sao giận được. Còn người trước mặt, chúng ta có thấy đâu mà giận. Phật tử niệm Phật mà thấy người đáng ghét là đang niệm cái đáng ghét.
Ngài Trí Giả dạy rằng người sám hối, lạy Phật, niệm Phật đúng nghĩa, luôn thấy Phật, không thấy ma, là bước đầu phải như vậy. Bước thứ hai, tâm họ an vui và hảo tướng hiện lần theo dấu chân Phật. Thấy Phật thông minh siêu tuyệt và tâm hiền lành dễ thương, chúng ta cũng sáng suốt và hiền theo. Đó cũng là kinh nghiệm của tôi lúc tu học ở Nhật. Quan sát cuộc đời Đức Phật, thấy Ngài lúc còn bé, mới 7 tuổi đã thông suốt tất cả ngôn ngữ An Độ, thấy Ngài thành tựu mọi việc khó làm. Tâm tôi tập trung vào Phật và tập hiểu, tập làm theo Phật; nên tôi học đốt giai đoạn, chỉ trong ba tháng có khả năng thi đậu vào Đại học. Niệm Phật, chúng ta được an vui và trí sáng ra là ý nghĩa nương Phật để phấn đấu bản thân chúng ta vươn lên, gọi là tu Bồ tát đạo. Thấy Phật không nói sai, không làm sai; chúng ta nỗ lực nói và làm giống như vậy, nhờ đó, cuộc sống chúng ta cũng được tốt đẹp lần.
Phật Thích Ca ở Ta bà như chúng ta, nhưng từng bước Ngài xóa lần trần lao nghiệp chướng. Trần lao nghiệp chướng rất nhiều, riêng tôi chỉ nhắm vào bốn việc cần phải xóa bỏ là lo lắng, buồn phiền, sợ hãi và bực tức. Gặp việc đáng buồn giận, lo sợ, chúng ta không buồn giận, lo sợ; vì nghĩ rằng chết là cùng. Nếu cuộc sống kéo dài lê thê, ảm đạm, thì có ích lợi gì. Nhưng nếu chúng ta hiểu Phật pháp và đã làm được một số việc tốt, thì chết cũng không có gì phải sợ. Ở Ta bà mà xây dựng được Tịnh độ trong lòng chúng ta, thì Tịnh độ này liền biến thành Tịnh độ thật ở Tây phương.
Mười phương Phật đều có Tịnh độ riêng, mà chúng ta khó về đó được. Vì tất cả thế giới Phật do tu Bồ tát đạo mới có được mạng sống ở đó. Nhưng tu Bồ tát đạo thì khó vô cùng, ít người làm được; nên ít người sanh về thế giới Phật được là vậy. Hoặc phải tu hạnh Phổ Hiền, được Phổ Hiền dẫn về thế giới của chư Phật mới được; nhưng hạnh Phổ Hiền nào có đơn giản dễ làm. Thật vậy, thí dụ Phật dạy hành Bồ tát đạo, phải tu Tứ Nhiếp pháp; nhưng có mấy ai làm được. Tất cả pháp tu của Bồ tát đều lấy bố thí làm đầu. Nhưng chỉ người có quyền thế mới có thể thực hiện hạnh bố thí vô úy, nghĩa là che chở được cho người bị oan ức; còn mình thấp cổ bé miệng làm sao can thiệp được. Thứ hai là bố thí trí tuệ, chúng ta học hiểu đến đâu mà dạy được người. Biết những điều mà mọi người không biết mới làm thầy họ. Có trình độ tri thức hơn xã hội, trình độ tu chứng của người tu vượt hơn bình thường của thế nhân mới tu được pháp này. Thứ ba là bố thí tiền của thì phải có khả năng giúp người có cuộc sống vật chất ổn định và cao hơn nữa, giúp họ ăn nên làm ra, giàu có, sung sướng. Muốn tu Bồ tát đạo, phải phát huy cuộc sống mình có đủ ba thứ là tiền của, tri thức và uy thế.
Nhưng riêng con đường sanh về thế giới Cực Lạc đơn giản hơn; theo lời Phật Thích Ca dạy, chúng ta có thể về được, vì ứng vào nguyện của Phật Di Đà. Một trong 48 lời nguyện của Ngài là trước khi lâm chung, nếu nhiếp tâm niệm Phật tối thiểu mười tiếng, không tán loạn, thì Phật sẽ rước. Không làm gì cả, chỉ niệm mười đanh hiệu Phật Di Đà thôi, có cái khó là tâm phải bất loạn.
Con nguyền lâm chung không tán loạn
A Di Đà Phật rước từ xa
Quan Am cam lộ rưới trên đầu
Thế Chí sen vàng nâng đỡ gót
Trong khoảng sát na rời ngũ trược
Khoảng tay co duỗi đến Liên Trì
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp âm lòng sáng tỏ
Nghe xong liền ngộ Vô sanh nhẫn
Không rời An Dưỡng tại Ta bà
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự
Phật tử niệm Phật nhớ bài sám này suốt đời, nhớ lâm chung tâm không tán loạn, không nghĩ tất cả việc trên cuộc đời; chỉ nghĩ Phật Di Đà thì thấy Ngài xuất hiện từ xa. Từ Tây phương cách đây mười muôn ức Phật độ, Phật Di Đà đi lần đến Ta bà. Thấy Phật như vậy, tâm chúng ta mới không tán loạn. Phật Di Đà rước từ xa, nhưng người đến gần chúng ta là người thương và lo cho chúng ta nhiều nhất là Bồ tát Quan Âm đến trước, an ủi, nhắc nhở, dặn dò chúng ta, vì Quan Âm nguyện ở thế giới này. Bồ tát Quan Âm cầm nhành dương liễu nhúng nước cam lồ rải trên đầu chúng ta, thì chúng ta không thấy đau đớn, buồn phiền, khổ sở; tất cả nghiệp chướng đều tiêu tan, ác ma không khuấy nhiễu, thân tâm đều nhẹ nhàng, thanh tịnh. Được như vậy, mới đủ điều kiện bước lên đài sen của Bồ tát Đại Thế Chí đưa cho. Đài sen này nhanh chóng bay thẳng về Cực Lạc cách đây mười muôn ức thế giới chỉ trong một chớp mắt. Chúng ta liền đến Liên Trì, dự vào Liên Trì hải hội của Phật Di Đà. Vào ao thất bảo của Phật Di Đà, mới uống được nước bát công đức; nhờ đó, tâm lượng Bồ tát của chúng ta mới lớn lần. Và tâm lớn thì sen nở, mới thấy Phật Di Đà, nghe Ngài nói pháp; nghe xong liền chứng Vô sanh nhẫn và được Ngài thọ ký.
Ở Ta bà chứng Vô sanh nhẫn khó vô cùng. Chứng Vô sanh nhẫn thì bị người nói xấu, đánh mắng, giết hại, chúng ta vẫn không hề chống trả. Thực tế cho thấy không ai làm được việc này. Vậy mà qua Cực Lạc, xuất hiện ở ao Liên Trì, tự nhiên chứng được Vô sanh nhẫn, tức phiền não, nghiệp chướng trần lao không phát sanh nữa, không có những tánh xấu.
"Nghe tiếng pháp âm lòng sáng tỏ”. Ở đây nghe pháp suốt đời mà không sáng. Nhưng nghe Phật Di Đà nói một câu là tâm sáng liền, ngộ Vô sanh nhẫn, thì tâm vẫn ở hội Liên Trì, nhưng hiện thân khắp nơi, đến với chúng sanh hữu duyên. Vì vậy, người tu được vãng sinh Cực Lạc thì quyến thuộc của họ ở thế gian này, hay người hữu duyên đồng lúc phát Bồ đề tâm, cảm nhận được người ấy đã vãng sanh. Người ấy vẫn ở thế giới Cực Lạc, nhưng hiện vào tâm chúng sanh, vào tâm của con cháu, tác động cho những người này phát tâm tu hành rất tốt.
Vì có giải tỏa nghĩa địa ở khu vực này, có nhiều người khổ đau, oan ức đã qua đời, chúng ta mới lập đàn cầu nguyện giải oan cho họ và thuyết pháp, bố thí, cứu giúp cả người sống; đó là ý nghĩa "Lấy trần lao làm Phật sự”. Mong rằng những người có thân bằng quyến thuộc đã khuất tham gia đạo tràng này, nghĩ đến các hương linh, mời họ về nghe kinh, nghe pháp, để giải trừ oan khiên, được sanh về Cực Lạc. Và Phật tử hiện tiền cũng nương nhờ Tam Bảo lực, được an lạc, sáng suốt.
Ý NGHĨA PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA
(Bài giảng tại trường hạ Phổ Đà ngày 25-5-2005)
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy có hai cửa vào đạo là Chân thật môn và Phương tiện môn. Chân thật môn là con đường chính, nhưng chỉ có Phật mới đi vào con đường này được. Nói cách khác, theo tinh thần Pháp Hoa, chỉ có Đức Phật thị hiện trên cuộc đời , mang thân phàm phu và xuất gia học đạo, chỉ tu sáu năm mà thành Phật. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu người tu trải qua năm mười măn, hay cả mấy chục năm, nhưng không ai thành Phật. Tại sao? Vì chúng ta là phàm phu, hay Nhị thừa, hoặc Bồ tát, thì cũng chỉ chứng được quả mà chúng ta đã có từ đời trước. Thí dụ các vị Thánh La hán tái sanh trên cuộc đời, tu hành, cũng chỉ chứng đến quả La hán là cao tột. Từ quả La hán mà tiến tu lên được quả vị cao hơn nữa có thể được, nhưng cũng không đơn giản. Người may mắn gặp được Phật, thì sự tu chứng nhanh hơn; chỉ trong một niệm tâm liền chứng được quả A la hán, như ngài Xá Lợi Phất. Với người không gặp Phật, phải trải qua quá trình nương theo giáo lý tu tập, gia công Thiền định cũng chứng được quả A la hán. Như vậy, quả A la hán họ đã có sẵn, nên đời này mang thân phàm mới chứng được dễ dàng. Còn những vị chân sư đã trồng căn lành đời trước, nay tái sanh, xuất gia, học đạo. Với quả vị Hòa thượng đã có từ đời trước, các ngài tu hành, từng bước cũng phát triển đạo vị, làm Hòa thượng hay A xà lê, nhưng chưa là Thánh.
Trong chúng ta cũng có vị là Bồ tát, A la hán, Bích chi Phật tái sanh; nhưng đa số là phàm Tăng. Nếu thực lòng tu, cũng chứng được quả thấp nhất là Dự lưu; hay theo Đại thừa, thấp nhất là tam Hiền, tức Thập Trụ Bồ tát. Ở quả vị này, trụ tâm được, không bị hoàn cảnh tác động, không bị vui buồn vinh nhục của cuộc đời làm hoen ố tâm. Còn hàng Nhị thừa đạt quả vị thấp nhất, không bị lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ. Ăn uống đạm bạc cũng khỏe mạnh, làm việc liên tục cũng không sao. Nay đau mai yếu, phải ăn kiêng là biết nghiệp còn nhiều, chắc chắn việc làm đạo sẽ bị trở ngại. Ý thức như vậy, phải siêng năng lạy sám hối cho tiêu nghiệp.
Ngài Tối Trừng ở Tỷ Duệ sơn, Nhật Bản, dạy rằng tất cả người tu theo Thiên Thai tông, phát nguyện tu Pháp Hoa, lên núi ở. Không còn buồn phiền, không còn mệt mỏi vì đói khát, nóng lạnh, mới cho xuống núi hành đạo. Có người sống trên núi mười năm, hai mươi năm, vẫn không được xuống núi. Vì còn nghiệp mà đi hành đạo, họ sẽ bị cuộc đời làm ô nhiễm và họ cũng làm cho đàn na mất tín tâm. Người không kính trọng ta, phải tự nghĩ vì ta không đủ đức hạnh. Nghĩ như vậy cũng đúng với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy. Thật vậy, năm anh em Kiều Trần Như chưa gặp Phật đã là những nhà hiền triết quyết tâm tu hành. Phật đến độ họ, chỉ có Kiều Trần Như liền ngộ đạo, đắc quả A la hán; nghĩa là đã vượt qua được sự bức ngặt của đói khát, nóng lạnh và tâm thanh tịnh hoàn toàn. Đức Phật mới cho ngài đi khất thực chung. Bốn vị còn lại phải ẩn tu, vì chưa có hảo tướng, người trông thấy không phát tâm, đôi khi còn chống phá.
Đắc đạo, Đức Phật nghĩ rằng nếu đưa ra Chân thật môn, tức chỉ bày chân lý, mọi người không tiếp thu được, còn bị đọa. Đức Phật muốn vào Niết bàn, vì những điều Ngài hiểu, chứng được, thì không dạy được, vì nghiệp của chúng sanh quá sâu nặng và họ lại không có trình độ. Lúc đó, mười phương Phật hiện ra, ấn chứng cho sự thấy đúng của Phật Thích Ca và tất cả những gì mà Ngài chứng đắc cũng như của Phật mười phương chứng đắc. Nhưng thấy đúng rồi, có làm được không? Chúng ta phát tâm tu hành thường rơi vô lý tưởng. Lý tưởng luôn luôn quá đẹp, mà thực tế lại phũ phàng. Khoảng cách rất xa giữa thực tế và lý tưởng làm cho chúng ta thất vọng, bất mãn, chán nản, buồn phiền, v.v…; trần lao nghiệp chướng từ đây phát sanh liền.
Đức Phật Thích Ca đắc đạo, tương thông được với mười phương Phật, quả là tuyệt vời. Nhưng Ngài trở lại cuộc đời, thân cận với chúng sanh đầy đủ tham sân si để cảm hóa họ đi theo con đường chân thật giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau sanh tử, là cả vấn đề không đơn giản chút nào. Thấu hiểu sự khó khăn này, chư Phật mười phương khẳng định với Phật Thích Ca rằng tất cả chư Phật hiện thân trên cuộc đời, giáo hóa chúng sanh, đều phải mở cánh cửa phương tiện cho họ đi vào. Con đường chân thật của Phật đi, chúng sanh không thể nào đi được. Trên bước đường tu, tôi nhận rõ ý này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, nên không thể bắt chước được. Từ hoàn cảnh riêng mà tu hành, ý thức về lời Phật dạy là pháp sai biệt dành cho mỗi người khác nhau.
Đức Phật Thích Ca triển khai tám mươi bốn ngàn pháp môn tu, nghĩa là chúng sanh có bao nhiêu phiền não, trần lao nghiệp chướng, thì Phật có bấy nhiêu pháp tương ưng để đối trị. Còn Thánh La hán không có phiền não, trần lao nghiệp chướng; nên không có pháp đối trị dành cho các ngài. Phật dạy tất cả giới luật mà Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di phải tuân thủ; vì họ sẽ phạm những lỗi lầm, nếu không được cấm ngăn, bảo vệ. Đối với hàng Thánh Tăng như Kiều Trần Như, Đức Phật không chế giới. Mới thấy Phật, tâm ông liền thanh tịnh, đắc quả A la hán, thì cần gì giới điều ràng buộc. Đức Phật triển khai tất cả giới nhằm giúp chúng ta không sanh khởi tâm phiền não, không phạm hành động xấu ác, không làm những việc vô ích, có hại… Vì vậy, khi nương được pháp phương tiện của Phật dạy, chúng ta tu hành, tâm hồn được thoải mái, an vui, bởi nhận chân được sự thật của cuộc đời; chúng ta không lý tưởng hóa mọi việc, không nhận thức sai lầm.
Thuở nhỏ, một vị Hòa thượng dạy tôi tụng Pháp Hoa sẽ hết bực bội, buồn phiền; nếu không thì cứ thắc mắc tại sao thế này mà không thế kia và không bằng lòng ai cả. Hòa thượng dạy rằng phải nhìn đúng sự thật, con cò phải trắng, con quạ phải đen. Không thể bắt con quạ trắng như con cò. Phải nhìn rõ cốt lõi bên trong của một người là gì. Nếu họ là tiên giáng phàm, không dạy, họ vẫn có cốt cách thần tiên. Trái lại, bắt khỉ mặc áo người, nó cũng chỉ làm được trò khỉ. Bồ tát, Thánh Tăng tái sanh, tất yếu cốt lõi của họ là Bồ tát, Thánh Tăng. Người làm thuê ở mướn, hay người trốn nợ, trốn tù, cạo đầu vô chùa ở, thì phải cảnh giác họ. Phải nhìn thấy thực, tưởng lầm họ là Thánh thì nguy hiểm vô cùng. Những người nặng về hình thức, tưởng tất cả người mặc áo tu là thực tu, dễ bị lợi dụng, phiền não, thoái tâm.
Phật dạy quán sát thật tướng các pháp; nghĩa là công nhận sự thật, thấy sự thật, không thấy khác và thấy rõ rồi, mới khai phương tiện. Tôi không cho phép anh bị nghiện xuất gia, nhưng dạy anh ta pháp cai nghiện. Từ bi cho họ ở, phải trông chừng cẩn thận; không để ý, họ gây rắc rối liền. Đối với người này, pháp cai nghiện là thích hợp nhất.
Đức Phật đã dạy có nghiệp phải sám hối cho tiêu nghiệp mới tu được; ví như chiếc áo dơ phải giặt sạch mới nhuộm màu được. Giải thích ý này, ngài Trí Giả chia ra ba hạng người tu. Hạng người thứ nhất gọi là hảo tâm xuất gia, đồng chơn nhập đạo. Họ đã trồng căn lành với Phật ở đời trước; nay tái sanh trên cuộc đời, không bị trần lao làm ô nhiễm và tìm đường giải thoát. Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh thuở còn bé, chưa tu, lên núi Ông Cấm, gặp Tổ Vạn Linh đắc đạo. Ngài nói rằng đời trước chú bé này đã là Hòa thượng, mai kia cũng sẽ là Hòa thượng; các ông đừng xem thường. Chưa tu, nhưng cốt cách Hòa thượng đã có rồi. Tổ Thiên Thai ví những người hảo tâm xuất gia, đồng chơn nhập đạo như cái áo trắng sạch, nhuộm màu đạo dễ thấm lắm. Với những người đầy đủ tư chất trong sạch như vậy, chúng ta phát hiện được căn lành của họ và nuôi lớn căn lành này cho họ. Họ thông minh, nghiệp trần không có, nên phát triển đạo hạnh rất nhanh. Không có nghiệp, nên không bị phiền toái của vật chất đòi hỏi, không bị tình cảm tầm thường chi phối và trí tuệ đã sáng, thâm nhập Phật huệ dễ dàng.
Hòa thượng Trí Tịnh chuyên tụng phẩm Phương tiện thứ hai của kinh Pháp Hoa. Tôi nhận ra pháp phương tiện giúp chúng ta không mắc bệnh cố chấp; vì yếu nghĩa của phương tiện chỉ cho chúng ta nhận chân được sự thật, chúng ta sẽ không phạm sai lầm. Họ không thể là Tăng sĩ, nhưng chúng ta cho xuất gia, cuối cùng cũng hoàn tục mà còn có hại nữa. Có Thầy nói rằng lo cho một đệ tử ăn học xong, lại ra đời, buồn quá. Nhận rõ sự thật, chúng ta sẽ không buồn. Tôi thấy cậu bé thông minh, nhưng không có căn lành, không cho xuất gia; nhưng tôi cho tiền học, để sau họ thành tài, sống lợi ích cho bản thân họ và lợi cho xã hội. Hạng người thứ hai ví như chiếc áo bẩn; nghĩa là đời trước họ có tu, nhưng tái sanh, gặp Phật pháp hơi muộn. Tuy sống với đời, mà tâm vẫn nghĩ đến đạo; nên khi gặp được chân sư khai ngộ, họ liền xuất gia. Hòa thượng Thiện Hòa tiêu biểu cho mẫu người này. Ngài là Giám đốc Phật học đường Nam Việt, lập gia đình rồi mới đi tu. Ngài gặp Tổ Khánh Hòa, phát tâm tu. Nhờ có căn lành đời trước, nên đời này sống trong gia đình giàu có, khi phát tâm tu, ngài sám hối tội căn ở ba mặt. Một là Hòa thượng sám hối bằng cách vào Phật học đường sống chung với chư Tăng, ngài nhận làm công việc phục vụ đại chúng. Mặc dù đã là Giám đốc Phật học đường, ngài cũng quét sân chùa mỗi ngày để tích lũy phước. Sống trong đại chúng, ngài không kiêu căng, buồn phiền; chỉ lo công quả, lập công bồi đức, vì sợ thọ hưởng bị tổn phước. Và xuất thân từ gia đình giàu có, ngài sử dụng tiền của để lo cho đại chúng. Nhờ pháp sám hối này, huynh đệ cảm mến đức độ của Hòa thượng. Tôi nghe các Hòa thượng cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều khen ngợi ngài là người tốt, siêng năng nhẫn nại làm việc đạo, không làm mất lòng người.
Pháp sám hối thứ hai của Hòa thượng là ngài thường lạy Hồng danh Phật, lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm; vì thế, tâm lần thanh tịnh, thân khỏe mạnh. Lạy Phật đến thấy hảo tướng Phật hiện ra, là chúng ta nhìn đâu cũng thấy Phật, thấy mây bay núi non cũng tưởng như Phật, nên không còn phiền não. Lạy Phật xong, bước ra khỏi chánh điện, gặp người mình ghét, phiền não nổi dậy, là ác tướng hiện ra, chưa nhuộm màu đạo được, có nhuộm màu gì cũng trở thành lem luốc. Vì vậy, sám hối chưa sạch nghiệp mà thọlãnh giáo pháp Phật, người này khó tiến tu. Và pháp sám hối thứ ba mà ngài áp dụng là xứng tánh sám hối. Tất cả hiện tướng đều biến mất, để tâm trí hoàn toàn vắng lặng, mới nhuộm màu đạo được. Hạng người này nhờ công quả, lạy Phật, nghiệp sạch lần; nên tâm yên tĩnh, Phật pháp tự hiểu dễ dàng và việc hành trì pháp Phật cũng thành tựu một cách nhẹ nhàng.
Hạng người thứ ba ví như chiếc áo vừa dơ vừa rách; nghĩa là người có tội ngập đầu, cũng phải giặt áo cho sạch, tức tâm sám hối cho sạch nghiệp. Mang nghiệp quá nặng, tâm đau khổ, thân tội lỗi; chỉ còn cách công quả, kiếm chút phước, phục vụ đại chúng để kết duyên lành. Chỉ mong được vậy thôi cũng may lắm rồi và hy vọng đời sau sẽ có được thân khỏe mạnh, trong sạch, không buồn phiền, không tội lỗi, mới dễ tu. Riêng tôi, thuở nhỏ xuất gia cũng tâm niệm như vậy; vì cuộc đời mình nghèo thiếu, bệnh hoạn, xấu xí thường kèm theo sân si. Nhờ nương pháp phương tiện của Phật tu hành, hoàn cảnh lần đổi khác, được Phật hộ niệm, bổ xứ cho làm một số việc, thành tựu một ít Phật sự. Vì vậy, tôi rất tâm đắc lời tâm sự của Xá Lợi Phất bộc bạch với Đức Phật rằng dù đầu đội và hai vai cõng vác Phật, cũng không bao giờ đền đáp được công ơn vô bờ bến của Đức Thế Tôn.