Sách
Mùa Vu Lan về hay mùa báo hiếu trong đạo Phật thường gợi chúng ta nhớ đến lời dạy rất sâu sắc của Đức Phật: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Lời dạy này càng có giá trị hơn nữa khi điều đó được thể hiện trong chính cuộc sống của Đức Phật. Vì vậy, Ngài có tôn danh là Minh Hạnh Túc, tức lời nói và việc làm hợp nhất. Thật vậy, Đức Phật là mẫu người tiêu biểu cho tấm gương hiếu thảo cao tột nhất. Khi Ngài xuất gia, người ta nghĩ rằng Ngài bỏ nhà đi tu là bất hiếu. Nhưng với tâm chí cao thượng, Ngài nhìn thấy cuộc sống con người trở nên vô nghĩa nếu chỉ hưởng thụ vật chất, không sống được với chân thiện mỹ vĩnh hằng bất tử, thì con người vẫn ở trong vòng luẩn quẩn, hết đời này sang kiếp nọ, chỉ làm khổ nhau.
Ngài rời bỏ gia đình, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Đức Phật trải rộng vô cùng tận. Thiết nghĩ loài vật nhỏ nhất mà Đức Phật còn thương tưởng đến chúng, lẽ nào Ngài không nghĩ đến cha mẹ hay sao. Trong kinh ghi rằng sau khi thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Đức Phật đã trở về thăm vua cha và thuyết pháp độ cho ông chứng liền Sơ quả. Đến khi nghe bài pháp thứ hai, thứ ba, vua lại chứng đắc quả vị Tư đà hàm và A na hàm. Và cũng với bài pháp này, Đức Phật đã giúp cho Kiều Đàm Di mẫu chứng được Sơ quả. Khi vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, Đức Phật lại về thăm và giảng pháp cho ông. Sau bảy ngày thấm nhuần pháp lạc, vua cha đã đắc quả A la hán và qua đời trong sự định tĩnh. Ngoài ra, Đức Phật cũng lên cung Trời Đao Lợi để thuyết pháp độ hoàng hậu Ma Gia.
Tâm hiếu, hạnh hiếu của Đức Phật thật là vô biên và cũng thật cảm động biết bao khi Ngài lạy đống xương khô bên vệ đường. Hành động của Đức Phật nói lên ý niệm sâu sắc về tổ tiên, ông bà, tức mối quan hệ chằng chịt nhiều đời của chúng ta trong kiếp luân hồi. Ngài dạy chúng ta ý thức về cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ nhiều đời và mở rộng đến tất cả chúng sanh. Theo Ngài, trong vòng quay của kiếp tái sanh luân hồi, chúng ta đã từng thay nhau làm cha mẹ, thầy trò, bạn bè, quyến thuộc... và cũng đã từng giúp đỡ hay gây thù với nhau. Những người biết nương theo mối quan hệ tình thân ấy mà rèn luyện bản thân, thăng hoa tri thức, đạo đức, trở thành Hiền Thánh và họ lại dìu dắt người khác cùng đi lên, mở rộng thêm mối tương quan thân tình và quyến thuộc.
Riêng Đức Phật, ngài Trí Tích cho biết rằng trên con đường hành Bồ tát đạo trải qua vô lượng kiếp, không có chỗ nào dù nhỏ bằng mảy lông ở Ta bà này mà Đức Phật không xả thân cứu độ người cùng muôn loài. Vì vậy, Ngài hiện hữu nơi nào cũng được mọi người, mọi loài quý trọng, thương mến, coi Ngài là Đấng Cha lành. Nghe lời Phật dạy, nhận thức được mối quan hệ của chúng ta với mọi người, mọi loài rộng lớn vô cùng như thế, nên người đệ tử Phật thường thể hiện việc làm giúp đỡ người, cứu vớt chúng sanh. Và đó chính là tinh thần báo ơn, trả hiếu đúng nhất theo Phật.
Chúng ta đã thấy Đức Phật tiêu biểu cho tấm gương sáng chói nhất về tâm hiếu, hạnh hiếu. Và đệ tử của Phật trong hàng Bồ tát, có ngài Địa Tạng cũng thể hiện lòng hiếu thảo cao tột. Vì muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, Địa Tạng Bồ tát đã đối trước Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp, ngài nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh bị tội khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật rồi, sau ngài mới thành bậc Chánh giác. Trong hàng Thanh văn, gương hiếu thảo của Mục Kiền Liên cũng rất cảm động, đáng cho chúng ta noi theo.
Qua tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật và các vị Bồ tát, Thánh tăng, chúng ta ngày nay học Phật, theo dấu chân các Ngài, phải xây dựng tinh thần báo hiếu, báo ân trong việc tu hành là chính yếu. Chúng ta tu hành như thế nào để mở sáng đôi mắt huệ, thấy chân lý, tự giải thoát cho mình ra khỏi sáu nẻo luân hồi. Từ đó mới thấy ông bà cha mẹ, người mà chúng ta thương quý đang tái sanh ở cảnh giới nào và chúng ta phải dùng phương cách nào để cứu được họ. Chỉ có đắc đạo, thoát ly sanh tử và có huệ mới mong cứu ông bà cha mẹ hiện đời hay nhiều đời, cho đến cứu độ được tất cả chúng sanh. Trái lại, tu mà không có huệ, việc đáng làm không làm, chỉ làm điều sai trái, thì bản thân ta không ra chi, không tự cứu được mình, làm sao cứu nổi ông bà cha mẹ, nhất là họ lại thuộc thế giới siêu hình. Vì vậy, vấn đề chính là phải có trí tuệ để thấy đúng. Không thấy, không biết, chúng ta làm khổ công nhọc sức, nhưng không lợi bao nhiêu, thậm chí còn vô ích. Như Đức Phật đắc quả Vô thượng Bồ đề mới thấy biết mẹ Ngài đang ở cõi Trời Đao Lợi mà lên đó thuyết pháp, tạo điều kiện cho bà tiến đến cảnh giới tốt đẹp hơn nữa. Hoặc Đức Phật dùng tâm thanh tịnh hoàn toàn của Đấng Giác ngộ vẹn toàn mới tác động được cho vua cha vượt qua đau đớn của xác thân bệnh hoạn trước giờ lâm chung, để ông an trú được trong pháp mầu đến mức độ đạt được sự thanh tịnh, giải thoát, đắc A la hán quả. Cũng như ngài Mục Kiền Liên nhờ đắc thần thông, bằng huệ nhãn mới thấy và cứu được mẹ ngài đang đọa trong loài ngạ quỷ.
Tóm lại, chúng ta nỗ lực tu hành, thân cận những bậc chân tu để nhờ các ngài khai ngộ, mà biết cách tu và phát huệ thực sự, mới làm được việc lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo. Và chúng ta dùng thành quả có giá trị ấy hồi hướng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện đời, nhiều đời, cùng tất cả chúng sanh trong Pháp giới. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt nhất trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
NHÂN DUYÊN – CĂN LÀNH
Đối với người xuất gia muốn tiến tu đạo nghiệp, nhân duyên, căn lành và phước đức là ba điều căn bản cần phải được xây dựng và phát triển liên tục trên bước đường tu. Khi phát tâm tu, mỗi người có phước đức khác nhau, từ đó dẫn đến hoàn cảnh tu học, làm đạo đều khác nhau. Hoàn cảnh hiện tại tốt xấu, khó khăn hay dễ dàng đều do nghiệp quá khứ của từng người đã tạo. Cần ý thức điều ấy để khắc phục ác nghiệp và phát huy thiện nghiệp của mình mới tiến tu được. Nhìn kết quả của hiện đời phải chịu nhiều quả báo không lành, nên tự biết trong quá khứ ta đã tạo ba nghiệp thân, khẩu, ý chẳng tốt đẹp gì. Biết vậy, chúng ta nỗ lực sám hối, vượt khó, còn không biết mà cứ khởi tâm sân hận, buồn phiền, ganh tỵ thì còn đọa sâu thêm.
Riêng tôi, biết chấp nhận khởi điểm nghèo khó của mình, nhưng nhờ có nhân duyên và căn lành với Phật pháp, nên thăng hoa cuộc sống trong đạo pháp. Tôi tâm đắc lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa về gã cùng tử tuy nghèo nhưng không sống hèn, không lệ thuộc người khác chuyện cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Ý này trong kinh diễn tả là gã cùng tử làm việc cho ông trưởng giả, nhưng vẫn ở yên chỗ của mình. Nếu nghèo mà thích làm sang thì càng làm nô lệ cho đời nhiều hơn, chẳng lợi ích gì. "An phận nghèo quy củ tu hành” là câu phương châm tu hành cho chính tôi. Biết sắp xếp cách tu hành trong hoàn cảnh nghèo, hạn chế tối đa việc tiêu dùng tốn kém, đến khi du học ở Nhật Bản, tôi vẫn giữ nếp sống này. Nhờ vậy, tôi không phải nhờ vả ai, mà còn tích lũy được tiền học bổng để giúp đỡ người gặp khó khăn. Có giúp người thì họ mới thương quý ta, kết thành sợi dây nhân ái tốt đẹp trong cuộc sống này. Đức Phật dạy việc bố thí, cúng dường sẽ tạo cho ta phước báo lớn lao. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc nên làm việc này với ai, ở đâu và lúc nào, vì bố thí, cúng dường không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng người, chẳng những không sanh phước mà còn thêm tội.
Cúng dường phải đúng lúc giống như đem nước cho người đang khát, dù chỉ một chút xíu cũng quý. Chọn lúc chư Tăng kiết giới An cư, thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức là lúc tốt nhất để chúng ta cúng dường, tạo được công đức. Vì nhờ những phương tiện tối thiểu mà chúng ta cúng dường, giúp người tu ổn định ngoại duyên, dành trọn tâm trí cho việc thâm nhập Phật pháp. Hoặc đối với những người học giỏi, thông minh, có sức khỏe, chúng ta cần giúp họ phương tiện để họ phát triển tài năng. Sau này, họ thành tài, nhớ đến ta là nhớ đến Phật pháp và cũng phát tâm cúng lại người, làm lợi ích cho đời. Bản thân tôi cũng nhờ Hòa thượng Thiện Hoa ra sức đầu tư cho tôi học, mới có trình độ tri thức nhất định để phục vụ đạo pháp đến ngày nay. Đối với những người kém thông minh, lại bệnh hoạn thì chúng ta nên chữa bệnh cho họ, tốt hơn là cho học. Trên bước đường tu, tôi biết một vị tuy thông minh, nhưng thiếu một đốt xương sống, nên rất yếu. Mặc dù bác sĩ đã khuyên không nên học vì cơ thể bạc nhược, ông vẫn cứ ráng học nên càng bệnh hơn, nửa chừng rồi chết, mang nợ Phật pháp, không trả được. Nếu ông chỉ lo tĩnh tâm tu hành cũng chẳng đến nỗi mất mạng sớm.
Thiết nghĩ giúp một trăm người kém không bằng giúp một người thông minh. Thầy Trụ trì nào ý thức sâu sắc điều này thường hy sinh cho người học giỏi thay mình, để sau này họ gánh vác Phật sự, làm được việc. Không thông minh, có ráng sức cũng học đến mức độ nào thôi. Chưa kể là học không bằng ai, thì dễ chán, bỏ dở nửa chừng. Tuyển lựa người để đào tạo thành tài, làm được việc lợi ích cho đạo, tốt đẹp cho đời là điều quan trọng. Theo tôi, Phật giáo tỉnh Bình Dương nên dồn sức giáo dưỡng người xuất sắc, gởi lên thành phố học để sau này gánh vác Phật sự tốt đẹp cho tỉnh nhà. Chọn đúng người để đầu tư, Phật giáo mới phát triển được, không phải gặp ai cũng bố thí cúng dường. Càng tệ hơn nữa là tìm Thầy nghèo, chùa nghèo để cúng, tạo thành tình trạng tu sĩ giả dạng nghèo, ăn mặc rách rưới lang thang ngoài đường, để rồi Phật giáo bị xếp vào loại tệ nạn xã hội thì thật là đau lòng. Tôi xin nhắc nhở quý vị ra ngoài phải ăn mặc đàng hoàng, trong đạo chúng ta gọi là đường đường Tăng tướng. Còn những nghiệp Tăng nên ở chùa công quả.
Mùa An cư, để tạo điều kiện cho chư Tăng tu học, phát triển Bồ đề tâm, tôi thường đến thăm viếng, cúng dường các trường hạ. Cúng như vậy, chúng ta dễ dàng tạo được phước báo. Ngoài ra, trên tinh thần vì sự nghiệp chung, tôi cũng thường cúng dường cho các buổi hội họp của Giáo hội. Khi chư Tăng tập trung sinh hoạt, họ đang làm Phật sự, mang ý chí phát triển đạo pháp, chúng ta đóng góp để tùy hỷ, khích lệ họ, để họ phấn chấn tinh thần. Theo tôi, chúng ta nhắm vô Phật sự chung cần thiết để hỗ trợ như vậy, chắc chắn tạo được công đức lớn.
Thử nghĩ nếu chúng ta nhiệt tình lo cho đạo, nhưng không ai hiểu ta, thì cũng dễ nản và muốn bỏ cuộc. Riêng tôi, nhờ căn lành tích lũy từ nhiều đời, nên những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn đều gặp thiện tri thức an ủi, giúp đỡ. Căn lành là hạt nhân rất quan trọng giúp chúng ta vượt qua mọi hiểm nguy, giữ được đạo nghiệp. Các bạn đồng tu với tôi vì thiếu nhân lành, mà dư ác nghiệp, nên khi gặp việc không vừa lòng là có ác ma tác động xấu, khiến họ hoàn tục liền. Từ thuở nhỏ, trên đường tầm sư học đạo, tôi trải qua nhiều chùa. Mỗi lần đến ngã rẽ khó khăn, tôi lại gặp một Hòa thượng rất giỏi. Với tấm lòng từ bi và trí sáng, ngài dạy tôi nên đến Đức Hòa để tu học. Sau đó ngài lại khuyên tôi về chùa Phước Tường và cuối cùng bảo tôi về chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức. Nghe lời ngài, cứ mãn duyên chỗ này, đến chỗ khác, nhưng ở đâu cũng đều tu học được an lành, lợi lạc. Đến khi sang Nhật, tôi lại gặp vị thiện tri thức là Hòa thượng Sato ở chùa Vĩnh Bình cách nơi tôi ở đến sáu trăm cây số. Vừa đến cổng, tôi gặp vị Tri sự đứng đón sẵn, nói với tôi rằng Hòa thượng bảo ông chờ một vị Sư Việt Nam đến thì mời vô phương trượng. Tôi biết ngay vị Hòa thượng này tuy mù nhưng đắc đạo vì tôi không báo trước, bất ngờ đến chùa, mà ngài đã cho người đón và cho tôi những lời khai ngộ hữu ích. Theo ngài, muốn tiến tu đạt kết quả tốt, cần phải biết rõ nhân duyên của mình. Ngài dạy tôi nên về Việt Nam vì nơi đó là duyên hành đạo của tôi, sẽ dễ dàng tạo công đức. Trong khi nhiều người khác khuyên tôi ở lại Nhật. Trên bước đường hành đạo, gặp được những thiện tri thức sáng suốt dẫn đường chỉ lối, tôi càng vững niềm tin hơn. Nếu không, chúng ta dễ sanh tâm nghi ngờ, chẳng biết lận đận hoài rồi sẽ đi đến đâu. Niết bàn, Cực Lạc xa tít nơi nào chẳng thấy, mà trải dài trước mắt toàn là buồn phiền, bực tức, thì người không có căn lành, chắc chắn nghe theo ác ma bỏ tu thôi.
Thiếu nhân lành, kém phước đức, thiếu duyên Thầy bạn giúp đỡ, chỉ dạy, dù giỏi, việc làm của chúng ta cũng chẳng đạt kết quả bao nhiêu. Chúng ta phải nhận ra phước đức của mình đến mức nào. Nếu đức mỏng thì cố tu bồi cội đức. Đừng làm mất lòng người, nhất là bạn đồng tu, vì tổn đức thì khó làm việc. Chưa có đức hạnh, chúng ta nương với người có đức để làm việc thì ta cũng được kính trọng. Tuy nhiên, được kính mến rồi, chúng ta phải có phước mới làm việc được. Phước báo được thể hiện thành tâm hồn trong sáng, thể lực tốt và có đủ phương tiện để làm đạo. Thật vậy, cơ hội tới, nhưng chúng ta không đủ sức khỏe thì chẳng thể gánh vác nổi. Có việc trong tay mà tâm hồn u tối, quyết định sai lầm, cũng thất bại. Lãnh trách nhiệm mà thiếu phương tiện, tức tiền không có, người hợp tác giỏi, đáng tin cậy cũng không, chỉ có một mình với hai tay không, chẳng có cách nào hoàn thành việc được. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta lo gieo trồng nhân lành, chuẩn bị phước đức đầy đủ, khi nhân duyên đến, chúng ta dùng phước đức, nhân lành đã có mà hành đạo thì nhất định thành công. Còn chúng ta chờ thời, thời đến mà phước đức không có, cũng không làm được việc gì. Khi chưa gặp cơ hội, chúng ta cũng phải đợi, có khi năm, mười năm sau mới làm được, thậm chí có việc phải đợi đến kiếp sau.
Bồ tát hành đạo đều có chuẩn bị nên hoàn toàn chủ động trong việc làm. Bồ tát lớn chuẩn bị từ một kiếp cho đến vô lượng kiếp. Và Đức Phật thấy suốt quá trình trải thân hành đạo của Bồ tát, thấy rõ các ngài chuẩn bị làm vua, làm tướng, làm trưởng giả, làm Sa môn, v.v… trải qua bao nhiêu kiếp mới đầy đủ tâm từ bi, đạt đến trí tuệ Vô thượng, Phật mới có thể thọ ký cho các Bồ tát. Thiết nghĩ trên bước đường tu, từng bước chúng ta đều phải chuẩn bị. Chuẩn bị làm việc gì, thấy được khả năng của ta, phước đức đến mức nào, ai hợp tác và ai chống đối ta. Cả hai mặt giúp đỡ và chống phá cần có đủ để tạo thành thế cân bằng giúp chúng ta thăng hoa. Chỉ có một mặt thuận lợi, e rằng sống mãi trong tháp ngà, núp bóng người lớn, không trưởng thành nổi, không phát huy được năng lực, chuẩn bị kỹ thì thành công lớn, không chuẩn bị thì ác ma đầy dẫy trong đời ngũ trược này sẵn sàng đánh ngã ta ngay.
Cầu nguyện cho Tăng Ni thêm một tuổi hạ là phát triển thêm được nhân lành, phước đức, sáng suốt thấy được nhân duyên hành đạo của chính mình để nuôi sống giới thân huệ mạng trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Hội Khánh, Bình Dương, mùa An cư PL.2539-1998)