Sách
Con người phi thường đã xuất hiện ở thế gian vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Đó là mục tiêu Đức Phật xuất hiện trên đời cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ. Đón mừng ngày Đản sanh của Đức Từ Tôn, gợi nhắc trong tâm chúng ta hình ảnh thánh thiện của đấng Đại giác gieo rắc tình thương, trí tuệ và giải thoát cho muôn loài. Trong suốt tám mươi năm trụ thế, Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn mục tiêu thánh thiện, cao cả. Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, lời nói, việc làm của Đức Phật đều mang an vui, hiểu biết đúng đắn cho người, giúp người thăng hoa đến Thánh vị.
Hồi tưởng lại bối cảnh lịch sử Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời, lúc ấy giống dân Aryan đến lập nghiệp ở vùng Ngũ Hà, Ấn Độ. Họ đã xây dựng chế độ tập ấm và luật lệ phân chia quyền hành trong xã hội theo bốn giai cấp là Bà la môn, Sát đế lợi, Thủ đà la, Chiên đà la. Giới tu sĩ trí thức Bà la môn và những người tài giỏi, khỏe mạnh thuộc hàng Sát đế lợi lãnh đạo hai giai cấp Thủ đà la và Chiên đà la, hay những người chuyên về kỹ thuật và lao động chân tay. Bước khởi đầu, sự phân chia quyền hành như vậy cũng mang lại sự ổn định và trật tự cho xã hội Ấn Độ. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài cho đến đời vua Tịnh Phạn, sự phân chia giai cấp và quyền hành được hưởng theo chế độ tập ấm cha truyền con nối, chẳng những không còn là chính sách tốt đẹp trong việc điều hành xã hội, mà còn tạo thành tình trạng bất công quá lớn, gây bất mãn trong dân chúng. Vì Bà la môn và Sát đế lợi nắm quyền, nhờ được hưởng tập ấm nhưng tri thức và đạo đức quá tệ hoặc con cháu của giai cấp Chiên đà la thông minh, tài giỏi mà chẳng thể tiến thân, lãnh đạo được. Luật tập ấm đã siết chặt hàng thứ dân không ngóc đầu nổi và che chở cho hàng tu sĩ và vua quan tha hồ hưởng lợi, tạo thành xã hội bất an với lớp người hưởng thụ sa đọa và hạng người khốn khổ bị chà đạp.
Trong hoàn cảnh xã hội bế tắc, xuống dốc như vậy, Đức Phật ra đời như luồng gió mát mang lại sinh khí, cho người niềm tin mới, nhận thức mới, xây dựng xã hội mới. Thật vậy, Ngài đã mạnh dạn phủ nhận bất công sai lầm của sự phân quyền theo giai cấp tập ấm và khẳng định mọi người đều bình đẳng: "Khi mọi người sanh ra, không hề có dấu ấn giai cấp trên trán của họ", hoặc "Mọi người đều bình đẳng khi nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ”.
Trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ, dưới sự chỉ dạy sáng suốt của Đức Phật, đã thể hiện rõ nét tinh thần bình đẳng, bác bỏ hoàn toàn truyền thống giai cấp cố hữu tự muôn đời của Bà La Môn giáo. Bảy vương tử dòng họ Thích phải vâng lời Phật, đảnh lễ Ưu Ba Ly, trong khi ông này thuộc giai cấp phục dịch cho họ trước kia. Hoặc Sunita là người hốt phân cũng được Phật tế độ vào Tăng đoàn như các vị thuộc giai cấp cao sang. Chẳng bao lâu, Sunita đắc quả A la hán khiến vua Ba Tư Nặc phải cung kính trước đạo hạnh ngời sáng của ngài.
Đức Phật xác định mọi người đều có thể thành Phật, nhưng trước khi đạt đến quả vị rốt ráo ấy, tùy theo trình độ tu chứng cao thấp của mỗi người mà phân ra Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và tứ quả là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Công phu tu tập đến mức độ nào thì hưởng quả vị tương xứng đó, không phải đặc quyền cho riêng hạng người nào sanh ra là A la hán.
Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, trí tuệ thấy đúng như thật và cuộc sống thánh thiện của Đức Phật, cùng với Tăng đoàn kiểu mẫu mô phạm bấy giờ đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tri thức và đạo đức mà mọi người đang khát ngưỡng. Vì vậy, chẳng bao lâu, Đức Phật và Thánh chúng đã ảnh hưởng, tạo được uy tín tốt đẹp trong xã hội và thay thế tập đoàn Tăng lữ Bà la môn già cỗi, sa đọa, làm cho hàng vua chúa đương thời phải kính sợ. Chỉ trong mười hai năm, toàn xứ Ấn đã quy ngưỡng theo Đức Phật. Ngài giáo hóa mọi tầng lớp từ vua chúa, hàng trí thức ngoại đạo cho đến những người nghèo khổ thấp kém, đều phát triển hiểu biết và thăng hoa đời sống tâm linh.
Ôn lại cuộc đời thánh thiện của Đức Phật và Thánh chúng như vậy, chúng ta quan sát sinh hoạt tôn giáo ngày nay và nhận ra nhiều điểm tương đồng với thời Phật tại thế. Thật vậy, nếu nhìn thẳng vào các tổ chức tôn giáo truyền thống, phải nói có nhiều điều mê tín huyễn hoặc. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thì yếu kém về tri thức, đạo đức, không đủ khả năng thuyết phục người, không thể là nơi nương tựa tinh thần trong cuộc sống văn minh nhưng cũng tràn đầy khó khăn, tội lỗi về mọi mặt. Từ đó, nảy sanh trên khắp thế giới hàng trăm ngàn giáo phái kỳ quặc, cuồng si. Điển hình như giáo phái Chân lý tối thượng ở Nhật Bản, Đạo quân Jesus ở Anh, Thái Dương ở Pháp, Jonestown ở Mỹ, Huynh đệ trắng ở Ucraina v.v… Họ nhân danh đấng siêu nhiên nào đó và thi nhau giết người bằng những cách dã man khác nhau. Hiện tượng ra đời hàng loạt giáo phái cuồng tín ấy không khác gì thời Đức Phật tại thế, khi mà cuộc sống của các nhà lãnh đạo Bà La Môn giáo đến lúc hư hỏng cùng cực, đánh mất niềm tin và sự kính trọng nơi quần chúng. Từ đó cũng phát sanh hàng lục sư ngoại đạo hay chín mươi sáu giáo phái với đủ cách tu hoang tưởng khác nhau. Nhưng may mắn thay, Đức Phật đã hiện hữu và phá tan rừng rậm mê dại, tà kiến ấy, cảm hóa người trở về con đường chánh kiến, an lạc, giải thoát.
Kỷ niệm ngày Đản sanh Đức Từ Tôn, chúng ta cầu mong có một vị thánh thiện, sáng suốt như Đức Phật hiện thân trên cuộc đời cho mọi người nương theo phát triển đức hạnh. Tuy nhiên, khi chưa đủ duyên lành để bậc Đạo sư Toàn giác xuất hiện, thiết nghĩ Tăng Ni Phật tử cần suy nghĩ lời Phật dạy, ứng dụng trong cuộc sống, thể hiện phần nào mô hình của Thánh chúng, mang an lạc cho người, giúp họ thăng hoa trên con đường giải thoát. Tiến xa hơn nữa, các nhà tôn giáo trên thế giới nên tạo mối quan hệ hỗ tương tốt đẹp, dẹp bỏ những dị kiến, để cùng nhau tìm ra đường hướng chung, đóng góp được chừng mực nào đó trong việc xây dựng hạnh phúc và tình người ấm êm trên hành tinh này.
(Báo GN số 8-9, ngày 25-5-1996)