Sách
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 78 tại chùa Phổ Quang ngày 23-8-2009)
Các Phật tử trong đạo tràng tu Một ngày an lạc tổ chức dâng pháp y cúng dường chư tôn đức lãnh đạo Thành hội Phật giáo TP.HCM và chư tôn đức tịnh nghiệp đạo tràng an cư kiết hạ tại chùa Phổ Quang. Nhân dịpnày, chúng tôi triển khai về ý nghĩa lễ Vu lan.
Lòng hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên được kinh điển Nam và Bắc truyền diễn tả có khác nhau vài chỗ. Vì kinh Vu Lan theo hệ Bắc truyền thường diễn dịch một cách văn chương và mang tính cách tình cảm sâu sắc của văn hóa Trung Hoa và Việt Nam hơn trong kinh Nguyên thủy. Tuy nhiên, cả hai hệ Nam và Bắc truyền Phật giáo đều thống nhất rằng kinh Vu Lan phát xuất từ lòng hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên và nhân đó, Đức Phật giảng nói về cách báo hiếu.
Trên bước đường tu, Ngài Mục Kiền Liên hạ quyết tâm tìm xem mẫu thân của Ngài chết rồi thì bà hiện hữu ở dạng thức nào và đang ở thế giới nào. Từ duyên này, Đức Phật nói kinh Vu Lan cho Mục Kiền Liên và chúng đời sau. Mục Kiền Liên hỏi rằng người đời sau muốn báo hiếu thì thực hành pháp Phật được hay không. Nếu không có người hỏi, Phật sẽ không có lý do để nói; cho nên Mục Kiền Liên được coi là người làm duyên khởi cho Phật nói kinh Vu Lan.
Nội dung kinh Vu Lan xác định rằng tất cả các chúng hữu tình gồm có chúng sinh hữu hình và vô hình. Chúng sinh hữu hình có thân vật chất rõ ràng như loài người và chúng sinh vô hình thì có sắc chất vi tế, nghĩa là tuy sắc uẩn của họ đã mất, nhưng họ vẫn tồn tại Thức uẩn thuộc loại vật chất vi tế, hay còn gọi là tịnh sắc. Vì vậy, muốn thấy được Thức của con người, chỉ có Phật, Bồ tát, Hiền Thánh Tăng nhập định thấy được; hoặc Tiên nhân chứng ngũ thông cũng thấy chúng sinh vô hình. Còn người thường như chúng ta nếu có sự nhạy cảm, ngày nay gọi là nhà ngoại cảm có tinh thần bén nhạy, thì cũng liên hệ được với thế giới siêu hình là nơi mà chúng sinh chỉ sinh hoạt với Thức.
Chúng ta là con người còn sống thì có đủ sắc, thọ, tưởng, hành và thức, trong đó sắc và Thức kết hợp chặt chẽ với nhau thành một, tức trong sắc có thần thức và thần thức tác động mạnh vào năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Vì vậy, từ bỏ vật chất thì tinh thần không có chỗ nương, nhưng không có tinh thần tác động thì thân vật chất trở thành cái xác chết. Khi còn sống, thân vật chất kết hợp với Thức; nhưng khi chết thì thân vật chất tan rã, nhưng Thức hay linh hồn vẫn còn mà Phật, A la hán nhập định và nhà ngoại cảm thấy được linh hồn.
Xưa kia, Mục Kiền Liên tu hành đắc sáu pháp thần thông, nên Ngài quan sát được sáu cảnh giới, hay lục đạo trong sinh tử. Ngài thấy có loài hưởng thú vui hoàn toàn là chư Thiên, có loài phải khổ đau hoàn toàn là chúng sinh ở cõi địa ngục và khoảng giữa có ngạ quỷ, súc sanh, a tu la và loài người.
Khi Mục Kiền Liên quán sát sáu đường sinh tử này, Ngài thấy thân mẫu bị đọa vô loài ngạ quỷ là loài chỉ có thần thức, không có sắc thân. Vì vậy, họ chỉ sử dụng Thức thực, trong khi có thân người như chúng ta thì dùng Đoạn thực, nghĩa là chúng ta phải ăn thực phẩm vật chất vô để thay thế những thực phẩm đã thải ra.
Như vậy, chúng ta hiểu rõ rằng người chết không ăn được thực phẩm vật chất, nên họ phải ăn bằng Thức, tức là thần thức nghĩ cái gì thì cái đó hiện ra. Đây là sinh hoạt của thế giới vô hình, nên chúng ta còn sống thì khó biết được. Trong kinh nói có loài ngạ quỷ đứng bên sông Hằng rất khát nước, nhưng họ nhìn thấy dòng sông là lửa, nên không uống được. Loài ngạ quỷ này mới cầu Phật cứu. Lửa này là lửa nghiệp do nghiệp thức của họ hiện ra. Trong miệng của họ là lửa và bên ngoài dòng sông cũng là lửa, nên họ cảm thấy khô khát. Kinh Nguyên thủy cũng nói điều này và kinh Vu Lan nói rõ hơn, theo đó Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ ở thế giới vô hình. Khi thấy cơm, vì lòng tham của bà lớn quá khiến cho bà thấy cơm là lửa, cũng giống như kinh Nguyên thủy nói thấy nước là lửa. Kinh Vu Lan diễn tả ý này rất rõ là thấy cơm thì lòng tham của bà tăng mạnh, nên bà sợ các loài khác cướp giựt cơm của bà và bà cũng không muốn chia sẻ. Ý này kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa trùng nhau, nhưng cách diễn tả khác nhau, kinh Đại thừa diễn tả rõ hơn và dễ nhận ra hơn.
Mục Kiền Liên thấy mẹ đói khát như vậy, rất thương xót và buồn rầu than khóc, nhưng cũng không cứu giúp được mẹ. Kinh Vu Lan diễn tả tình cảnh này rất cảm động, nhưng tôi nghĩ rằng có thực là Mục Kiền Liên buồn khổ đến mức như kinh diễn tả hay không. Có một bài thơ nói lên ý này mà thuở nhỏ tôi đọc cũng rớt nước mắt :
Đây bát cơm đầy nặng ước mong
Mẹ ơi, đây ngọc với đây lòng
Đây tình còn đọng trong tha thiết
Ơn nghĩa sanh thành chưa trả xong.
Kinh Đại thừa được diễn dịch bằng tâm, nên chúng ta nghe rất dễ cảm xúc. Và Mục Kiền Liên có khóc than như vậy hay không. Có thể đó là tấm lòng hiếu của một vị cao Tăng nào đó được diễn tả theo ý của họ. Kinh Nguyên thủy thường dịch y văn; nhưng kinh Đại thừa dùng tâm diễn tả. Theo tôi, Mục Kiền Liên là vị Thánh A la hán, nên từ ban đầu Ngài đã thực tập pháp Tứ niệm xứ quán để nhập Không môn thì đối với Ngài, tất cả các pháp đều vắng lặng. Thật vậy, quán thuần thục Tứ niệm xứ thì tâm không còn bị vật chất chi phối. Còn bị vật chất chi phối là còn phiền não, tức là bị tình cảm tác hại. Trong khi người đã nhập Không môn, chứng pháp Không thì tâm họ đã như như bất động rồi và tiến cao hơn nữa, theo tinh thần Đại thừa, tuy các pháp là Không, nhưng thực tế vẫn có thì đó là giả, không phải thực.
Cho nên, tất cả các loài chúng sinh có khổ có vui, có thiên đường, có địa ngục, nhưng dưới nhãn quan của Bồ tát thì mọi điều đó là giả có. Vì vậy, Bồ tát phải mượn cảnh giả này để độ người trong mộng, giống như ngủ mơ thấy cảnh đẹp nhưng thức dậy thì chấm dứt, chẳng có gì cả. Cũng vậy, cuộc đời đầy đau khổ, nhưng nhập Không môn thì tất cả khổ này đều hết. Ý này được kinh Kim Cang dạy rất rõ rằng tất cả mọi sự vật trên thế gian đều có, nhưng chỉ là mộng, là huyễn, hoặc là bọt nước, không thực. Cha mẹ, anh em, bốn loài chúng sinh chỉ là ảo, vì thực tướng không có.
Như vậy, trên bước đường tu, bước đầu thể nghiệm pháp quán Tứ niệm xứ, hành giả đã nhận ra điều này, huống chi là một vị đắc A la hán như Thánh giả Mục Kiền Liên mà còn than khóc buồn rầu hay sao.
Kinh Niết Bàn diễn tả khi Phật nhập Niết bàn, các vị Thánh A la hán rất an nhiên, nhưng người chưa đắc Thánh quả thì khóc lóc, vì họ nghĩ Phật chết, tức Phật không còn hiện hữu nữa để cho họ nương tựa. Và hạng người thứ hai là tăng thượng mạn ngu si thì thấy Phật nhập diệt, họ mừng rỡ, vì từ nay, họ hoàn toàn tự do, không có người la rầy, cấm đoán. Trong khi các vị đắc A la hán đã chứng được tâm thanh tịnh hoàn toàn, thì dù Phật Niết bàn, nhưng tâm Phật tới đâu thì tâm A la hán cũng tới đó, họ không bị cách ly với Phật. Mục Kiền Liên cũng vậy, tâm Ngài không ngăn cách với tâm Phật, nên Mục Kiền Liên thấy Phật không nhập diệt. Hai tâm này luôn gắn kết được với nhau, nhưng khác là người còn mang thân vật chất thì bị nó chi phối, cảm thấy nặng nề; nhưng xả thân thì thấy nhẹ nhàng hơn . Vì vậy, khi chúng ta còn bị nhà ngũ ấm cột lại, bị kẹt với cái vỏ ngũ ấm, không được tự do. Nhưng chứng Niết bàn, dù mang thân cũng không lệ thuộc thân; vì các Ngài không có nghiệp thân mà có thân phước đức và nếu chuyển hóa được phước đức thành Pháp thân thì còn được nhiều điều cao quý hơn nữa.
Trên bước đường tu, tuy các vị Thánh La hán, hay chư Bồ tát mang thân người, nhưng thân của các Ngài là thân phước đức, tất nhiên phải khác với thân trần lao nghiệp chướng của chúng sinh phàm phu. Chúng sinh tham sân si nhiều, nên ham muốn đủ thứ nhưng không bao giờ họ được thỏa mãn, từ đó khổ chồng chất thêm, đó là điều thực trong cuộc sống của con người. Và trong các thứ khổ này, có oán tắng hội khổ, nên sợ mà cứ phải gặp nhau và thương nhau mà không được gần gũi là ái biệt ly khổ; đó là hai thứ khổ đau mà chúng sinh luôn phải gánh chịu.
Còn Bồ tát hiện thân trên cuộc đời này với thân phước đức; nói cách khác, cung của Bồ tát nhiều hơn cầu, hoặc các Ngài luôn hạ mức cầu xuống bằng không, thì cung sẽ luôn luôn tăng. Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng lúc còn là học Tăng thì cuộc sống còn cần nhiều thứ, nhưng không ai giúp. Đến khi lên Hòa thượng, không cần gì mà người ta cứ cúng dường. Điều này cho thấy rõ là hạ mức cầu thì mức cung sẽ tăng.
Bồ tát thọ thân phước đức, nên thấy các Ngài, ai cũng cung kính cúng dường. Tuy còn có sự bứt ngặt của thân tứ đại theo quy luật tự nhiên, nhưng Bồ tát đã chuyển hóa được phước đức hữu lậu thành vô lậu phước đức, tức ngũ phần Pháp thân. Vì vậy, thân của A la hán trở thành tự tại và các Ngài không có ý giáo hóa chúng sinh, nhưng không có chúng sinh nào không được giáo hóa, gọi là các Ngài độ tận chúng sinh. Còn thấy mình độ chúng sinh và còn chúng sinh bị mình độ là ta còn kẹt trong sinh tử.
Có Thầy nghĩ rằng quy y cho một trăm ngàn Phật tử là có một trăm ngàn Phật tử lệ thuộc mình và mình có trách nhiệm dìu dắt họ. Nghĩ như vậy là sai lầm. Thật vậy, Phật nói A la hán độ một người cũng không được, nhưng họ lại có thể độ tận được chúng sinh; vì không có chúng sinh nào bị A la hán độ và không có A la hán độ chúng sinh. Thể hiện yếu lý này, Đức Phật mới vào Niết bàn được; cho nên Phật nói rằng người đáng độ thì Ngài đã độ và việc đáng làm thì Ngài đã làm.
Chúng ta khẳng định rằng A la hán Mục Kiền Liên không có tâm khóc than ủy mị như chúng ta; nhưng vì người đời sau mà Ngài hiện ra việc này, bày ra việc nọ để độ chúng sinh, thì đó là phương tiện thiện xảo của Bồ tát, A la hán sử dụng để độ sinh. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nhắc lại rằng các vị Thanh văn theo Phật thực sự là Bồ tát đã từng trợ hóa chư Phật quá khứ, không phải là Thanh văn và nay các Ngài cũng tiếp tục hạnh nguyện trợ hóa Đức Phật Thích Ca.
Ngài Trí Giả chia chúng khác với cách chia tứ chúng của chúng ta. Theo Ngài, thứ nhất là chúng duyên khởi đóng vai trò trợ hóa cho Phật. Khi có Phật Thích Ca xuất hiện thì chư Phật và các vị Bồ tát lớn hiện thân lại để tạo điều kiện cho Phật Thích Ca giáo hóa, cho nên các Ngài hiện thân làm vua, làm tướng, làm Sa môn, làm trưởng giả, nói chung là trong tất cả thành phần xã hội đều có sự hiện thân của Bồ tát. Theo tinh thần Pháp Hoa thì vua Tần Bà Sa La đã nhiều đời theo Phật rồi và Mục Kiền Liên cũng vậy.
Mục Kiền Liên tạo điều kiện để Phật nói kinh Vu Lan và dạy tất cả mọi người lập hạnh hiếu để tu hành, đó cũng là pháp Phật cho người đời sau tu theo. Pháp này thực hiện như thế nào. Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, Phật dạy rằng phải chờ đến ngày rằm tháng 7 là ngày chư Tăng tự tứ thì sắm đủ các phẩm vậtcúng dường chúng Tăng để nhờ cầu nguyện cho cha mẹ bảy đời được siêu thăng. Hiện tại Mục Kiền Liên đã làm như vậy và trong tương lai, mọi người đều làm theo cách này được.
Tại sao phải chọn ngày rằm tháng 7 để cúng dường chư Tăng và có nhứt thiết phải là rằm tháng 7 hay không. Rằm tháng 7 là ngày của Phật giáo Trung Quốc đặt ra, nhưng có điểm giống với Nam truyền Phật giáo, vì ngày đó là ngày mãn hạ, chư Tăng tụ về. Thời Phật tại thế, chư Tăng kiết hạ tụ về vào rằm tháng 9, vì đó là mùa mưa ở Ấn Độ. Vì vậy, ngày nay Phật giáo Nam tông lấy ngày rằm tháng 5 vô hạ và ngày rằm tháng 9 mãn hạ. Nhưng tại sao Phật giáo Bắc tông lại tổ chức vào hạ ngày rằm tháng 4 và mãn hạ vào ngày rằm tháng 7.
Theo tôi, chúng ta lấy ngày ra hạ làm ngày tự tứ để cúng dường là đúng pháp. Còn ngày rằm tháng 7 hay rằm tháng 9 thì tùy theo từng nước quy định khác nhau, điềunày không quan trọng, miễn là ngày ra hạ. Tại sao chọn ngày ra hạ. Một năm chư Tăng đi du hóa vào mùa khô và mùa Đông, còn mùa mưa, hay mùa An cư thì ở yên một chỗ để tu hành. Trong haimùa đi du hóa, chư Tăng đi đến đâu thì có tín thí cúng dường đầy đủ, nên Phật tử không bận tâm đến vấn đề cúng dường thực phẩm đến chư Tăng. Nhưng trong mùa An cư, chư Tăng phải ở một chỗ, không đi khất thực, không ăn cơm ngàn nhà. Cấm túc An cư, chư Tăng vào Thiền quán, thấy được những việc tốt xấu của đời này và nhiều đời trước để chỉnh sửa và nhờ thanh lọc tâm như vậy, nên tâm của đại Tăng đã được thanh tịnh. Vì vậy, Phật tử cúng dường chư Tăng vào mùa an cư và mùa tự tứ sẽ được kết quả lợi lạc hơn. Điều này chúng ta dễ kiểm nghiệm trong thực tế cuộc sống.
Thật vậy, đến vị Tăng mà ta cảm thấy không thanh tịnh, vì tâm ta bất an gặp vị này dao động, nên hai khối phiền não này tăng lên và Thầy trò cùng khóc. Trái lại, đến một vị Tăng đắc đạo, tâm của Ngài thanh tịnh, nên bao nhiêu lo âu, buồn khổ của ta đem trút vào tâm Ngài thì liền biến thành hư không, khiến ta cảm thấy nhẹ nhàng, hết sầu khổ.
Vì vậy, trong mùa tự tứ, Đức Phật nói rõ trong kinh Vu Lan rằng có các vị Tăng thọ thực kinh hành, có vị ẩn tu ở tòng lâm, cũng có vị Duyên giác, Thanh văn hiện thân lại, hay có Bồ tát mười phương hiện thân làm Tăng. Nếu ta có phước duyên gặp được Bồ tát có tâm đại từ bi thì khổ đau của ta sẽ hết và niềm vui sanh ra. Nếu gặp vị A la hán vô niệm, thanh tịnh thì tâm ta sẽ được thanh tịnh theo. Gặp vị Duyên giác thì họ sẽ lý giải cho chúng ta nhận chân được sự thật của cuộc đời.
Khi người con hiếu thảo nghĩ đến cha mẹ thì tâm mình đã có cha mẹ và mình đem hương linh ký gởi cho Thánh Tăng, cao Tăng thì hương linh gặp được các Ngài, nên hương linh cũng được an lạc theo. Hoặc người thân của mình ở trong tâm mình và mình đem tâm gởi vào Phật pháp, nên họ cũng được ở trong Phật pháp. Thật vậy, trong hình hài của chúng ta đã có "gene” của ông bà cha mẹ; vì thế, mối tương quan giữa ta và ông bà cha mẹ rất gần gũi và dễ dàng tác động cho nhau, từ đó việc cầu nguyện đương nhiên có kết quả. Ta tu hành, thâm nhập Phật pháp là đem cả ông bà cha mẹ mình vào Phật pháp tu; cho nên cổ nhân đã nói nhứt nhơn thành đạo cửu huyền thăng.
Như vậy, chúng ta thấy rõ pháp báo hiếu không có gì tốt hơn là ta nỗ lực tu hành đúng chánh pháp sẽ giúp cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân được siêu thoát và kế đến là trong tiềm thức của chúng ta còn những người quen biết, thì ta kiểm lại xem còn ai. Riêng tôi, ngồi yên thì nhớ đến ông bà, cha mẹ, Thầy Tổ, cho đến cả người chống đối gây khó khăn cản trở tôi. Nhớ như vậy không phải là nhớ đến sự giận ghét, nhưng nhớ trong tâm từ bi; cho nên cũng cầu nguyện cho họ được về Tịnh độ mà kinh diễn tả là "Đẳng oán thân cộng thiệp ân ba”.
Tóm lại, trong mùa Vu lan báo hiếu, an trú trong pháp Phật tu hành và bằng tấm lòng thanh tịnh cúng dường đến chư tôn thiền đức cấm túc an cư sẽ giúp cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân được siêu sanh Tịnh độ và cầu nguyện cho những người thù nghịch hóa giải được mối oán hận. Thành tựu đúng pháp như vậy thì mảnh đất Ta bà này của hàng đệ tử Phật đã trở thành Tịnh độ, không phải chờ về Tây phương mới có Tịnh độ.