Hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ-tát

Hạnh nguyện Phổ Hiền là đề tài rất quan trọng mà trong trang báo có hạn, tôi chỉ có thể gợi ý, không thể triển khai đầy đủ.

Thuở nhỏ xuất gia ở chùa Huê Nghiêm, tôi thường nghe Hòa thượng bổn sư của tôi đọc trong ngày sám hối những đoạn kinh mà tôi vô cùng xúc động, mặc dù lúc đó tôi chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu sắc. Trong đoạn Hòa thượng đã đọc có những câu tôi nhớ rõ và thường suy nghĩ; nhân đây tôi nhắc lại vì có liên quan đến hạnh Phổ Hiền.

Bt-Pho-Hien-2.jpg
Tôn tượng Bồ-tát Phổ Hiền

“Mạt pháp Tăng hạnh đạo lực suy vi chướng duyên biến xí”; nghĩa là trong thời kỳ mạt pháp cách Phật xa, hạnh của chư Tăng kém yếu, không thể giống như hạnh của các vị Bồ-tát lớn ở thời Chánh pháp. Ngoài đức hạnh và đạo lực suy kém, chư Tăng lại gặp chướng duyên rất nhiều. Vì vậy, bước đường tu phải trải qua nhiều khó khăn, đó là ấn tượng đầu tiên mà tôi ý thức được.

Trong đoạn kết phần sám hối, Hòa thượng bổn sư cũng thường đọc “Nguyện nhơn nhơn ngộ Tỳ-lô tánh hải. Các các nhập Phổ Hiền hạnh môn”. Suốt cuộc đời tu hành trên 80 năm, tôi không bao giờ quên mà luôn suy nghĩ về ý nghĩa của câu này.

Tỳ-lô nói đủ là Tỳ-lô-giá-na chỉ cho Pháp tánh. Nếu nhận được tánh sáng suốt trong con người chúng ta hằng hữu từ bao đời, chúng ta mới thâm nhập được Phổ Hiền hạnh môn. Không ngộ được Tỳ-lô tánh, không thể nhập Phổ Hiền hạnh.

Tôi thường để tâm đến kinh Hoa nghiêm là một bộ kinh lớn trong hệ thống kinh điển Đại thừa. Theo ngài Trí Giả, Đức Phật thuyết kinh Hoa nghiêm trong 21 ngày sau khi Ngài thành đạo, nhưng đó lại là một bộ kinh nhiều hơn tất cả kinh Đại thừa khác, trong khi kinh Pháp hoa có 7 quyển mà Phật thuyết trong 8 năm.

Ngài Long Thọ nói rằng 80 quyển kinh Hoa nghiêm chỉ là một phần nhỏ của kinh Hoa nghiêm mà con người ghi nhận được; còn kinh Hoa nghiêm đầy đủ có đến trăm ngàn muôn ức bài kệ. Bộ Đại Hoa nghiêm mà ngài Long Thọ không mang về trần gian được, chỉ có người ngộ Tỳ-lô tánh mới có thể đọc được. Và đọc được Đại Hoa nghiêm kinh, chúng ta mới hiện được Tỳ-lô thân, tức đức hạnh và trí tuệ của chúng ta đầy đủ mới thể hiện được yếu nghĩa của Hoa nghiêm trên bước đường giáo hóa độ sanh.

Bộ kinh Hoa nghiêm 80 quyển có 100.000 bài kệ, trong đó phần Phổ Hiền hạnh nguyện chiếm đến 6.000 bài kệ, đây là con số nhiều, chắc chắn chúng ta không đọc hết và không hiểu trọn vẹn được. Riêng tôi, trọn đời thọ trì Phổ Hiền hạnh nguyện và tôi cũng có duyên may được học với Hòa thượng Trí Tịnh, cũng như tôi được hầu cận Hòa thượng Trí Thủ. Hai vị cao tăng này đều chuyên thọ trì hạnh Phổ Hiền.

Có thể nói rằng việc ngộ Tỳ-lô tánh và nhập Phổ Hiền hạnh đối với tất cả chúng ta là điều khó thực hiện; nhưng nếu thông qua người ngộ Tỳ-lô tánh và đã vào Phổ Hiền hạnh, chúng ta sẽ được họ chia sẻ sở đắc và có thể nương theo đó mà thực tập được Phổ Hiền hạnh.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, nhờ tiếp nhận được sự chia sẻ của những vị cao tăng hữu duyên mà tôi thọ trì phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện kệ và tôi rất tâm đắc 60 bài kệ cuối cùng, nên tôi thuộc lòng và thường suy gẫm từng bài kệ để thực hiện hạnh nguyện Phổ Hiền trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh của mình.

Hạnh Phổ Hiền có thể rút gọn thành 10 đại hạnh mà chúng ta thường đọc tụng mỗi ngày:

Nhứt giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như lai
Tam giả quảng tu cúng dường
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Bát giả thường tùy Phật học
Cửu giả hằng thuận chúng sanh

Thập giả phổ giai hồi hướng.

Chỉ một câu “Nhứt giả lễ kính chư Phật” chúng ta đọc thấy đơn giản, nhưng nếu quý vị bắt đầu mở tâm ra được để thâm nhập Tỳ-lô-giá-na tánh hải thì thực là vô cùng vô tận. Vì vậy, một hạnh lễ kính chư Phật dù nói muôn kiếp cũng không hết, cho nên cả 10 hạnh Phổ Hiền rộng lớn biết là dường nào.

Chúng ta phải để tâm học sẽ hiểu được một phần nhỏ cảnh giới bất tư nghì giải thoát cảnh giới, tức một cảnh giới không hiểu được, không diễn tả được và người thường không làm được. Đó chính là Phổ Hiền hạnh mà chúng ta cần phải nương theo trên bước đường tu học.

Bài kệ mở đầu phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện  như sau:

Tất cả chư Phật trong ba đời
Vô lượng thế giới khắp mười phương
Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh

Thành kính lễ lạy không hề sót.

Bài kệ này cho thấy Phổ Hiền Bồ-tát đảnh lễ tất cả chư Phật ba đời là đời quá khứ, hiện tại và vị lai, nghĩa là Ngài tương thông được với ba đời chư Phật. Điều này cũng giới thiệu cho chúng ta biết sự hằng hữu của vô số Phật ở trong thế giới vô cùng vô tận.

Khi lạy vạn Phật, chúng ta cũng nhận ra một phần nào ý này, tuy lạy một vị Phật nhưng đã có vô số Phật đồng một tên. Vì vậy, nếu chúng ta đi vào được thế giới Phật để đảnh lễ các Ngài thì phải trải qua không biết bao nhiêu kiếp mà lễ cho hết.

Cần hiểu rằng muốn đảnh lễ được tất cả chư Phật ba đời như Phổ Hiền Bồ-tát nói, chắc chắn phải ngộ Tỳ-lô tánh, không phải lễ lạy Phật ở hiện tượng trần gian. Nếu chỉ lạy tượng Phật ở thế giới vật chất và đọc tên Phật trên văn tự, nhưng không lặn sâu vào biển Pháp tánh, thì chỉ thấy tượng Phật mà thôi, không thể thấy Đức Phật hằng hữu ở Tịch Quang chơn cảnh, nói chi đến thấy được vô số Đức Phật trong ba đời.

Thấy Phật là phải thấy được Báo thân và Pháp thân Phật. Mọi người bình thường trên cuộc đời này có sanh ra và phải chết; duy chỉ có một người sống mãi là Đức Phật Thích Ca. Thật vậy, mặc dù sanh thân Ngài nhập diệt hơn 2.500 năm, nhưng cả nhân loại vẫn đang quy ngưỡng Ngài. Chúng ta quy ngưỡng điều gì nơi Ngài.

Chắc chắn chúng ta kính ngưỡng đức hạnh vô cùng và trí tuệ vô song của Đức Phật; đó chính là Báo thân viên mãn của Phật, một biểu tượng mà đời đời kiếp kiếp nhân loại thờ phụng, lễ bái, quy kính. Chính Báo thân viên mãn của Đức Phật mới tạo thành sức sống vô cùng vô tận của Ngài và đạo Phật trên thế gian này.

Khi chiêm ngưỡng tượng Phật, tôi thường hình dung Đức Phật đản sanh ở Ca-tỳ-la-vệ, Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Phật thuyết pháp ở Ba-la-nại và Phật nhập diệt ở Câu-thi-na; đó chính là 4 động tâm, tức 4 điểm kích động tâm chúng ta, tác động căn lành chúng ta khiến chúng ta phát tâm đến với Phật. Nếu chúng ta không phát được tâm Bồ-đề, đương nhiên không thể đến với Phật, không thể hiểu Phật và không thấy Phật.

Khi tâm chúng ta được kích động bởi Tứ Thánh địa của Đức Phật, chúng ta thấy gì. Cố Hòa thượng Thiện Siêu đã nói với tôi rằng khi ngài đến Bồ Đề Đạo Tràng, hai hàng nước mắt tự nhiên tuôn trào. Riêng tôi, lúc đến Câu-thi-na nơi Đức Phật nhập diệt, tôi cũng không cầm được nước mắt và cảm thấy nhớ Phật một cách kỳ lạ. Trên bước đường tu, có cảm được Phật, mới nhận được lực bất khả tư nghì của Ngài gia hộ. Các Phật sự mà tôi thành tựu, phần lớn cũng nhờ độ cảm tâm về Phật như vậy. Có thể nói nhờ những động tâm đánh thức căn lành, chúng ta mới phát nguyện quyết tâm tu theo hạnh Phổ Hiền.

Lễ kính chư Phật mười phương như Phổ Hiền, chúng ta hướng tâm đến Đức Phật Thích Ca, nhận ra được Báo thân Phật, tức đức hạnh và tuệ giác của Ngài vô cùng mà chúng ta tu học theo để ngộ được Tỳ-lô tánh và nhập được Phổ Hiền hạnh.

Và nương theo hạnh Phổ Hiền: “Nhứt thân phục hiện sát trần thân, nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật”, nghĩa là từ tâm nguyện, hạnh nguyện, chúng ta đến được với Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Đa Bảo, Phật A Súc…, cho đến vô số Phật, chúng ta đều hiện diện trước các Ngài để kính lễ.

Bằng tâm, bằng căn lành, chúng ta mới nhập được Pháp giới, mới có Phật chỉ dạy chúng ta những điều cần thiết trên cuộc đời này và tu như thế nào để đến quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Chính Đức Phật Thích Ca đã thể hiện rõ nét điều này. Ở Bồ Đề Đạo Tràng, trong tư duy thiền định, Đức Phật đã vào bể Pháp tánh và đã tiếp nhận được giáo pháp của chư Phật quá khứ truyền trao; sau đó, Ngài trở lại đời thường để chỉ dạy mọi người.

Thật vậy, ở thành Xá-vệ, Đức Phật Thích Ca nói với Xá Lợi Phất rằng khi Ngài vào Pháp giới, Ngài đã gặp Đức Phật A Di Đà ở thế giới phương Tây cách đây mười muôn ức cõi nước. Phật A Di Đà đã nói cho Phật Thích Ca biết về Bồ-tát hạnh của Ngài từ khi phát tâm tu đến khi thành Phật như thế nào và Ngài đã xây dựng thế giới Cực lạc ra sao. Và đến khi Đức Phật Thích Ca đến thành Quảng Nghiêm là nơi mà người thường chỉ nghe âm thanh của gió lay động cành cây; nhưng lúc đó, Đức Phật đang đi trong thiền định, Ngài mới nhận ra Đức Phật Dược Sư ở thế giới Tịnh Lưu Ly và nghe Ngài nói kinh Dược Sư.

Như vậy, Đức Phật Thích Ca đã vào Pháp giới bằng hạnh Phổ Hiền mà Ngài tương thông được với chư Phật quá khứ và Ngài vẫn hiện hữu trong trần gian; nghĩa là từ Phật quá khứ chuyển tiếp sang Phật hiện tại và tiếp tục gắn liền với chư Phật vị lai. Chư Phật vị lai này cũng ở trong Tỳ lô tánh hải, có cả chúng ta là Phật sẽ thành.

Nhập Phổ Hiền hạnh, đảnh lễ chư Phật ba đời, nhưng chư Phật quá khứ và hiện tại, chúng ta đã kính lễ rất nhiều; vì các Đức Phật này trọn lành, công đức đầy đủ, nên chúng ta phát tâm dễ dàng.

Còn Phật vị lai là Như Lai tại triền, tức Phật tánh bên trong có, nhưng bị phiền não bao vây, nên khó phát hiện được. Tất cả quý vị và chúng tôi đều là Phật vị lai, vì chúng ta có Phật tánh, mới phát tâm tu hành; tuy nhiên, chúng ta chưa thành Phật vì phiền não, nghiệp chướng, trần lao đang bao vây chúng ta. Vì vậy mà chúng ta thấy nhau qua nghiệp, phiền não và trần lao; cho nên nghiệp của ta cộng với nghiệp của người, sanh ra vô số tội lỗi.

Sám Quy mạng nói rằng sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo tác vô biên tội. Thật vậy, vì thân tâm ta đã có đầy đủ phiền não, nghiệp chướng, khổ đau, nên người kích động làm những thứ này sống dậy khiến cho ác nghiệp chúng ta tăng thêm và ác nghiệp của người cũng nhân đó tăng theo. Kinh Hoa nghiêm gọi đó là trùng trùng duyên khởi tạo thành địa ngục trần gian tiêu biểu cho sự đau khổ cùng tột; nhưng bên trong chúng ta vẫn có tánh sáng suốt mà không chịu phát hiện, chỉ cứ mãi sử dụng nghiệp và phiền não, nên càng tu càng sanh ra nghiệp đốt cháy chúng ta. Nhiều người phạm sai lầm này.

Đối với tôi, kính lễ Phật quá khứ và hiện tại cũng tốt, nhưng nên tôn kính Phật vị lai là việc rất cần thiết, nghĩa là chúng ta phải nhìn nhau bằng Phật tánh của mình và thấy Phật tánh của người, đừng chăm chú vào phiền não của người.

Với một câu lạy hướng đến Phật vị lai, chúng ta nhìn thấy cái tốt của người, dù họ có 100 điều xấu. Đi thẳng vào cái tốt của họ thì liền chuyển đổi họ thành tốt với chúng ta. Họ có một sai lầm mà chúng ta phát hiện thì cái xấu này sẽ tăng trưởng, tức chúng ta đã nuôi lớn cái xấu của họ.

Thâm nhập Phổ Hiền hạnh, đối với người xấu ác hoàn toàn, chỉ có một điều tốt nhỏ nhoi, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng cho điểm tốt đó lớn lên. Đức Phật cảm hóa được chúng sanh vì Ngài chỉ thuần nuôi lớn điều tốt đẹp cho họ. Chúng ta có bạn tốt, nhưng vì cố chấp, vì nghiệp chướng trần lao mà biến người thân thành người xa lánh mình, mới bị cô độc, đau khổ.

Đức Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát rằng quán sát chúng sanh trong địa ngục toàn là cực ác, nhưng phải nhận ra được một điểm tốt của họ để đưa họ thoát khỏi địa ngục. Tôi có kinh nghiệm này, khi chúng ta nói việc tốt của người, họ rất hoan hỷ và trở nên tốt ít nhất là đối với mình. Còn họ không tệ, nhưng chúng ta luôn tìm cái xấu của họ mà khơi dậy, chắc chắn họ sẽ trở nên tệ đối với  mình và nếu mọi người cùng xử sự sai lầm như vậy thì sẽ chống phá lẫn nhau, nói xấu nhau, dẫn đến một xã hội đen tối, khổ đau triền miên.

Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy rằng người chỉ nói được hai chữ Mô Phật, hoặc trẻ con giỡn chơi nhóm cát làm tháp Phật, Ngài khẳng định rằng họ cũng sẽ thành Phật, vì trong lòng họ đã có Phật. Chúng ta không thấy Phật trong lòng họ, nhưng chỉ thấy nghiệp chướng trần lao bao vây họ và chúng ta khai thác điều xấu đó làm cho họ trở thành hư hỏng.

Tu Phổ Hiền hạnh, nhìn tất cả muôn loài đều là Phật. Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả rằng không có gì không phải là Phật mới là Phật. Tiếng suối reo, thác đổ cũng là pháp âm Phật, nghe tiếng thông reo mà nhận ra Phật Dược Sư. Còn chúng ta nhìn đời bi quan, điều gì cũng xấu thì tâm chúng ta bị xấu trước và sẽ dẫn chúng ta vào hoàn cảnh xấu. Tôi mong quý vị suy nghĩ điều này để kính lễ được chư Phật ba đời không sót.

Chúng ta may mắn được tu học chung trong ngôi nhà Phật pháp, nên nhìn bằng tánh sáng suốt để nhận thấy Phật tiềm ẩn trong lòng mọi người, thấy mọi người là Phật sẽ thành. Thành tựu hạnh như vậy là lễ lạy không sót ba đời chư Phật theo hạnh Phổ Hiền, không phải nói suông. Khi còn thấy người không tốt, phải tự biết mình chưa lễ hết chư Phật như mình thường đọc mỗi ngày.

Đại hạnh thứ hai của Bồ-tát Phổ Hiền là xưng tán Như Lai. Chúng ta đã xưng tán Phật quá khứ và Phật hiện tại, điều này dễ làm; nhưng xưng tán chư Phật vị lai là điều cần thiết hơn và phải trải qua thời gian khá dài để thực hiện.

Trong kinh Pháp hoa, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca đã xưng tán chư Phật vị lai, gọi là thọ ký và Đức Phật đã thọ ký cho Xá Lợi Phất trước tiên trong phẩm Thí dụ thứ 3; trong khi mọi người nghĩ rằng Xá Lợi Phất tu hạnh Thanh văn chỉ đạt được quả vị A-la-hán, không thể thành Phật được. Nhưng bằng tuệ giác của Đức Phật, Ngài thấy rõ tánh Phật bên trong của Xá Lợi Phất, chứ không chỉ thấy hình thức Sa-môn bên ngoài như những người chấp pháp. Và nhận ra Xá Lợi Phất sẽ là Phật, Ngài mới nói rằng các kiếp trước, Xá Lợi Phất đã tu hạnh Bồ-tát, còn người khác thấy Xá Lợi Phất tu hạnh Thanh văn. Và Đức Phật khẳng định rằng bề ngoài thấy Xá Lợi Phất tu hạnh xả ly tiêu cực, nhưng thực sự ngài vẫn hành Bồ-tát đạo, nếu là người tiêu cực chỉ nghĩ đến giải thoát riêng thì ngài không đi giáo hóa độ sanh.

Điều này gợi cho chúng ta hiểu rằng nhiều người đã nhận lầm người xuất gia tiêu cực, mang tâm niệm Tiểu thừa. Đức Phật cho biết Xá Lợi Phất nói riêng và hàng đệ tử xuất gia theo Ngài nói chung đang hành Bồ-tát đạo. Vì vậy, họ tu học, hiểu biết giáo pháp và sống trong pháp Phật, giáo hóa chúng sanh một cách tích cực, tại sao lại nói họ yếm thế. Chính vì Xá Lợi Phất đang thể hiện hạnh Bồ-tát, nên ngài sẽ thăng hoa trên bước đường đạo hạnh và ngài được Phật thọ ký tương lai thành Phật hiệu là Hoa Quang.

Tụng kinh Pháp hoa, nghĩ đến Xá Lợi Phất, tôi đã làm bài kệ cúng dường ngài:

Vị tu hành thời đại luận gia
Danh văn phổ cập Ma Kiệt Đà
Hạnh ngộ Thánh Tăng nhi phát túc
Vị lai tác Phật hiệu Hoa Quang.

Bài kệ tóm gọn quá trình tu hành của Xá Lợi Phất, khi chưa gặp Đức Phật, ngài là giáo chủ của đạo thờ thần lửa, là một đại luận sư tức người nói giỏi nhất, thường bắt người khác nghe theo, nhưng làm sao người ta nghe theo vì không thể thuyết phục người bằng vọng thức.

Tôi còn nhớ Hòa thượng Thiện Siêu nói rằng vô ngại biện tài nghĩa là không cần nói, nhưng người phải chấp nhận; trong khi người khác thường nghĩ rằng vô ngại biện tài là phải nói giỏi.

Đức Phật không dạy chúng ta phải lý luận, nói hay. Điều gì cũng nói được là sai lầm của Xá Lợi Phất khi còn tu theo ngoại đạo; vì biết nhiều để phiền não nhiều. Không nói nhưng người phải tâm phục là Mã Thắng Tỳ-kheo đã làm được. Xá Lợi Phất nói giỏi, lý luận thắng tất cả mọi người; vậy mà khi trông thấy Mã Thắng không nói lời nào, chỉ yên lặng đi, khiến tâm Xá Lợi Phất yên tĩnh theo và tâm định tĩnh đó được lớn dần theo bước chân của Mã Thắng về đến tịnh xá, giúp cho Xá Lợi Phất chứng được Sơ quả. Và khi vừa trông thấy hảo tướng hoàn toàn thanh tịnh của Đức Phật, Xá Lợi Phất liền chứng quả vị A-la-hán.

Chúng ta dễ dàng cảm nhận điều này, khi tiếp xúc với một người tâm hoàn toàn thanh tịnh, tâm mình liền thanh tịnh theo, tâm họ an lạc thì mình cũng được an lạc. Xá Lợi Phất đắc đạo một cách rất đơn giản, vì may mắn gặp được Phật và Thánh Tăng.

Đức Phật thấy rõ Xá Lợi Phất là Phật Hoa Quang trong tương lai, không khởi tâm xem thường ông là ngoại đạo thờ thần lửa. Và Đức Phật cũng thấy những vị Phật tiềm ẩn bên trong Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, A Nan, La Hầu La…, cho đến phẩm Pháp sư thứ 10, Đức Phật thấy tất cả mọi người trong pháp hội đều sẽ là Phật. Vì vậy, Phật gọi Bồ tát Dược Vương mà nói rằng tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên long Bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ-tát, hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ngài đều thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Nghĩa là tất cả những người trong chúng hội của Đức Phật đều tu Bồ-tát đạo, trong đời vị lai đều sẽ thành Phật.

Và không phải chỉ những người hiện diện trước Phật Thích Ca được thành Phật, mà tất cả những người đời sau nếu thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp hoa, còn nghĩ đến Phật, thì Dược Vương Bồ-tát nên nói cho họ biết họ cũng là Phật tương lai. Sự thọ ký này của Đức Phật nhằm đánh thức vị Phật đang tiềm ẩn bên trong mỗi người chúng ta. Riêng tôi thường cảm nhận rằng Đức Phật Thích Ca đã thôi thúc ông Phật trong tôi xuất gia, hành Bồ-tát đạo một cách mãnh liệt.

Tóm lại, lễ kính chư Phật, hoặc xưng tán Như Lai theo hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, chúng ta cần phải hiểu và đánh thức ông Phật vị lai của chính mình và của mọi người để kết thành thiện hữu tri thức và quyến thuộc Bồ-đề, từ đó tạo thành cảnh giới thanh tịnh, an lạc, giải thoát ngay trong cõi đời ô trược này.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tin Liên Quan

Back to top button